Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Nói phải đi đôi với làm

(BKTO) - Là người sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về nguyên tắc nói đi đôi với làm, coi đó là một trong những nguyên tắc quan trọng xây dựng đạo đức cách mạng. Và chính bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương thực tế mẫu mực của nguyên tắc nói đi đôi với làm.

2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân, Hà Nội, ngày 11/7/1961. Ảnh sưu tầm

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm luôn là nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng nền đạo đức mới, giải pháp tích cực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” viết vào tháng 10/1947, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong Đảng ta, có một số người như thế. Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế”. Người chỉ ra thực trạng: Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như “ông quan”. Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: “Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán”. Người nói rất cụ thể về nói dài, nói suông: “Ông cán” làm cho một tua hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến. Lúc “ông cán” nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận.

Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh xác định trong việc lãnh đạo, việc chọn cán bộ, thay cán bộ là một vấn đề quan trọng. Người nhắc nhở những cán bộ mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, thì cần phải thải đi. Người cũng căn dặn cần chú ý hạng người nói suông, vì hạng người này tuy thật thà, trung thành, nhưng lại chỉ biết nói suông, không có năng lực làm việc. Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải đồng thời chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, thói ba hoa, vì ba thứ bệnh này thường đi liền với nhau.

Khi bàn về cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng, viết vào cuối năm 1949, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “…Muốn biết một chính đảng, hay một người có phải là Đảng hay chiến sĩ tiên phong của vô sản hay không, ta không nên chỉ xem những tuyên ngôn, nghị quyết và nghe lời của họ; ta cần xét hành vi chính trị của họ, lập trường và thái độ của họ trong những cuộc đấu tranh chính trị thế nào?”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Do vậy, muốn hướng dẫn được cho nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải tự mình làm mực thước để nhân dân làm theo. Người thẳng thắn chỉ rõ: Trong Đảng, cán bộ, đảng viên, nhiều đồng chí làm được nhưng vẫn còn một số người hủ hóa. Vì vậy, Đảng phải có trách nhiệm gột rửa cho những cán bộ, đảng viên hủ hóa đó. Người nhấn mạnh việc phải làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng gồm: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”.

Tháng 3/1961, viết về xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rất cụ thể những điều phải có ở cán bộ, đảng viên: “Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân… Phải thật thà, ngay thẳng; không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo, phải thực sự cầu thị, không được chủ quan…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần: Đã hứa thì phải kiên quyết làm, đã làm thì nhất định phải làm cho bằng được. Người cũng xác định phương châm: Việc gì cũng cần phải thiết thực, phải nói được, làm được. Việc gì cũng “phải từ nhỏ đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao”.

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự là tấm gương sáng mẫu mực về mọi mặt, trong đó có phong cách nói đi đôi với làm. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Hồ Chí Minh: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng thể hiện trong hành động”.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định yêu cầu cán bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm, nhấn mạnh vai trò xung phong gương mẫu, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, nhất là trong các khâu bổ nhiệm, đề bạt. Đảng cũng kiên quyết với những cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tháng 10/2018 của Đảng đã chỉ rõ một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị cần phải kiên quyết khắc phục, sửa chữa là: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu”.

Đảng xác định phải lấy kết quả công việc, sự tín nhiệm của nhân dân để đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, theo đúng chủ trương: “Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên”. Đảng cũng quy định các giải pháp về cơ chế, chính sách để đấu tranh khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, như: “Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và người đứng đầu”.

Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (từ ngày 15 đến 17/5/2023) vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ phải có cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, nói đi đôi với làm: “Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng yêu cầu đấu tranh loại bỏ những biểu hiện sai trái, tiêu cực lời nói không đi đôi với việc làm, né tránh, thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm: “Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt ý chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Và Tổng Bí thư kiên quyết: “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”./.

Cùng chuyên mục
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Nói phải đi đôi với làm