Báo chí cần tích cực đấu tranh chống cái xấu, nhân lên những điều tốt đẹp

(BKTO) - Sáng 26/12, tại TP.Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.



Đến dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Minh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban kiêm nhiệm Ban Tuyên giáo Trung ương; Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban kiêm nhiệm Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cùng hơn 650 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí; lãnh đạo ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông các địa phương…

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Ảnh: VL

Chất lượng thông tin tốt sẽ mang lại nhận thức tốt cho người đọc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Năm 2017, công tác báo chí có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Về chỉ đạo, định hướng thực hiện theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả thuyết phục tập trung; quản lý nhà nước về công tác báo chí cũng có những tiến bộ; chất lượng, uy tín của giải báo chí quốc gia được nâng cao, hình thành những giải thưởng mới được sự quan tâm của giới báo chí và dư luận xã hội. Hội báo toàn quốc và công tác hội có nhiều nổi bật, triển khai thực hiện 10 điều quy ước về đạo đức người làm báo. Chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết khác của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đạt được những kết quả tích cực; đặc biệt là trong đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ chủ quyền quốc gia...

“Trong điều kiện khó khăn, thử thách của năm 2017 thì những kết quả đó đã thể hiện trách nhiệm chính trị, sự nỗ lực sáng tạo rất đáng ghi nhận của đội ngũ những người làm báo cả nước. Đội ngũ những người làm báo của cả nước đã không ngại khó khăn, có mặt ở đầu sóng ngọn gió, ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất kịp thời phản ánh, đưa tin về những sự kiện quan trọng của đất nước. Đã có những nhà báo hi sinh cả tính mạng của mình, vượt qua những đe dọa của thế lực xấu, vượt qua cả sự đối xử không công bằng của các cơ quan chức năng, trong đó có những nơi có cả sự đố kị, để làm tròn nhiệm vụ cầm bút của người làm báo chân chính”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm chưa được khắc phục, gây ảnh hưởng tới uy tín của báo chí. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động ở một số báo, trang thông tin điện tử; khuynh hướng giật gân câu khách, đưa thông tin thiếu nhạy cảm chính trị; dễ dãi trong trích nguồn, hiện tượng "xào" lại tin bài còn tương đối phổ biến… Bên cạnh đó, còn nhiều tin bài thiếu tính nhân văn.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VL

Cũng theo đồng chí Võ Văn Thưởng, những hạn chế, thiếu sót trong quản lý cũng chưa được khắc phục hiệu quả, chưa được tháo gỡ kịp thời, như việc chỉ đạo định hướng có trường hợp còn lúng túng.

Bên cạnh đó, vai trò của nhiều cơ quan chủ quản còn mờ nhạt, không chỉ không quan tâm tới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, định hướng nội dung mà còn khoán trắng, tạo điều kiện cho tờ báo làm không đúng tôn chỉ mục đích, làm sai, vi phạm pháp luật.

“Năm 2017 là năm mà số phóng viên báo chí bị xử lý hình sự, bắt quả tang khi nhận tiền, khi vòi vĩnh nhiều hơn mọi năm. Điều này làm cho những người làm báo chân chính đau lòng và cũng đặt ra cho người làm báo cần phải đấu tranh không để con sâu làm rầu nồi canh, làm cho hình ảnh báo chí xấu đi trong mắt xã hội”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Năm 2018, bên cạnh nhiều thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức, đồng chí Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần tập trung thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ của năm 2018 gắn với nhiệm vụ mục tiêu tổng thể của cả nhiệm kỳ, trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên tất cả các mặt. Đặc biệt, trong xây dựng Đảng tập trung tuyên truyền việc tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị. Ảnh: VL

Năm 2018 là năm Quốc hội triển khai lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ban Chấp hành Trung ương cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Ban Chấp hành Trung ương bầu. Đây cũng là nội dung mà báo chí cần quan tâm, phản ánh trung thực, khách quan, đúng định hướng. Tập trung tuyên truyền, lan tỏa các điển hình tiên tiến, phản ánh những bất cập, thiếu sót trong điều hành của các đơn vị, địa phương với tinh thần trách nhiệm và xây dựng; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, cái xấu, cái ác, phê phán phản bác thông tin, quan điểm sai trái. “Những chủ đề, vấn đề, nội dung quan trọng ở trên cần có sự tham gia tuyên truyền tích cực, đồng bộ của cả hệ thống báo chí cách mạng hùng hậu của chúng ta, trong đó các cơ quan báo chí chính trị phải là lực lượng chủ lực”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin theo hướng chủ động, nhạy bén, kịp thời, tập trung giữ vững nguyên tắc một đầu mối thông tin.

Những người làm báo cần nhận thức đầy đủ bối cảnh, khó khăn có thể tác động tới hoạt động báo chí. Sự phát triển của công nghệ thông tin với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo bên cạnh những mặt tích cực cũng đặt ra những khó khăn, phức tạp đối với sự phát triển đất nước nói chung cũng như đối với phát triển, hoạt động báo chí thời gian qua. “Chất lượng thông tin tốt luôn luôn mang lại nhận thức tốt cho người đọc. Vì vậy để cho xã hội, những người công chúng báo chí có nhận thức tốt thì đòi hỏi người làm báo phải có chất lượng thông tin tốt”.

Thứ ba, cần tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí. Năm 2018 tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí. Rà soát, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí vi phạm, thu hồi thẻ nhà báo đối với những nhà báo có hành vi tha hóa, biến chất; thu hồi giấy phép đối với tên miền không phù hợp. Rà soát các tờ báo của các tổ chức xã hội nghề nghiệp; thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan thường trú để kịp thời xử lý các sai phạm, nếu có.

“Nếu quy định của Nhà nước thiếu để xử lý vấn đề này thì cần sớm ban hành bổ sung và quan điểm là thực hiện nghiêm túc. Và trong năm 2018 phải triển khai quy hoạch báo chí”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Đồng chí Võ Văn Thưởng trò chuyện với các phóng viên. Ảnh: VL

Thứ tư, công tác cán bộ bao gồm cả quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo quy định đối với các phóng viên cần được các cơ quan quản lý, chủ quản quan tâm hơn nữa. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, “hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, cán bộ báo chí là cán bộ chính trị, cán bộ của Đảng, cán bộ của Nhà nước, cán bộ của đoàn thể cho nên trình độ chuyên môn thôi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà đòi hỏi phải nâng cao trình độ chính trị, cập nhật kiến thức, học tập thường xuyên và không thể có điểm dừng”.

Từ thực tế các vụ vi phạm vừa qua cho thấy, không ít người mang thẻ nhà báo nhưng kiến thức thì hạn chế, không am hiểu thực tế, ảo tưởng về quyền lực của báo chí và vị trí của phóng viên, nên sa vào suy thoái, vòi vĩnh, làm xấu đi hình ảnh báo chí. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cần tạo điều kiện cho phóng viên nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo, của phóng viên khi tác nghiệp.

Thứ năm là vấn đề kinh tế báo chí, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, đây là vấn đề cũng đáng quan tâm và cần phải nghiên cứu có hệ thống để giải quyết căn cơ.

Bám sát mục tiêu ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội

Theo báo cáo tại Hội nghị của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo, cả nước hiện nay có 849 cơ quan báo in, tạp chí; 195 cơ quan báo điện tử. Hiện có 178 giấy phép thiết lập trang tin điện tử tổng hợp cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại này, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội.

Đối với loại hình phát thanh, truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình được cấp phép là 281 kênh. Đến tháng 11/2017, cả nước có khoảng hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ.

Theo Bộ TT&TT, tình hình thông tin trên báo chí và thông tin điện tử cơ bản đã bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất ý chí trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tạo động lực tinh thần để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Một trong những kết quả quan trọng là báo chí thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới lãnh thổ, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, năm 2017, báo chí đã mạnh mẽ vào cuộc đấu tranh chống các thông tin xấu, độc; phản bác các quan điểm sai trái trên môi trường mạng internet.

Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau, đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, chương trình, tạo ra những ấn phẩm báo chí có chất lượng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 5 đơn vị. Ảnh: VL

Xử lý nghiêm các vi phạm

Trong lĩnh vực chỉ đạo, quản lý, năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT xử lý quyết liệt, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm để các cơ quan báo chí hoạt đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật về báo chí.

Các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng; thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí, 1 giấy phép chuyên trang điện tử, 1 giấy phép chuyên trang báo điện tử, đình bản tạm thời đối với 5 trường hợp.

Bộ TT&TT đã ban hành các quyết định thu hồi thẻ nhà báo đối với 12 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật, Hội Nhà báo Việt Nam đã xóa tên 324 hội viên vì những lý do khác nhau, trong đó có những hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật.

Trong năm 2018, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, người dân tiếp tục quan tâm và đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng của các sản phẩm báo chí. Năm 2018, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí sẽ tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị, tư tưởng, tạo ý chí thống nhất trong xã hội, thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chủ trương của Đảng; phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống các xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, đăng tải quá nhiều thông tin có nội dung tiêu cực, mặt trái của xã hội, phản cảm; các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền; đề cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn và mở rộng đối tượng độc giả, khán thính giả… Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, phát biểu nhiều vấn đề liên quan tới công tác báo chí nói chung, những khó khăn mà các cơ quan báo chí gặp phải hiện nay cũng như việc tác nghiệp của phóng viên; đồng thời đề xuất những giải pháp để hoạt động báo chí ngày càng hiệu quả, đúng tôn chỉ mục đích.

Tại Hội nghị, 5 đơn vị đã được trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Theo VƯƠNG LÊ

dangcongsan.vn

Cùng chuyên mục
  • Quản lý nợ công tốt phải tính đến những rủi ro
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - “Tuy có thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhưng vấn đề đáng lo ngại khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm. Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa” - cảnh báo này được đưa ra trong Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa thực hiện.
  • Xóa rào cản, tăng khả năng chống chịu cho nền kinh tế
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Một khuyến nghị thu hút sự quan tâm của báo giới, được ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) - đưa ra nhân điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam mới đây là: Khi kinh tế vĩ mô đã ổn định, cần tận dụng đà tăng trưởng để củng cố khả năng chống chịu và loại bỏ những rào cản gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế trong trung hạn.
  • Ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI với 151 đồng chí đã chính thức ra mắt Đại hội Đoàn toàn quốc vào sáng 13/12. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa, chúc mừng Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa mới.
  • Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, với đặc tính trẻ trung, sôi nổi, năng động, sáng tạo, sục sôi nhiệt huyết, thanh niên Việt Nam đã và đang chứng tỏ vai trò là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  • Khai mạc trọng thể Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Việt Nam tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã chính thức khai mạc sáng 11/12 với sự tham dự của 999 đại biểu chính thức là cán bộ, đoàn viên ưu tú đại diện cho hơn 6,4 triệu đoàn viên và gần 24 triệu thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước.
Báo chí cần tích cực đấu tranh chống cái xấu, nhân lên những điều tốt đẹp