Báo chí tìm cách đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh chuyển đổi số

(BKTO) - Hiện nay, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống...

z5538416603479_a6993adf1e55ac7126d257b277c78e44.jpg
Toàn cảnh Hội thảo Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số. Ảnh Khánh Linh.

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”. 

Các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu

z5538416612312_563e87779d9beed3ab23be7fed21da45.jpg
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Khánh Linh.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh truyền hình giảm 23% so với năm 2022.

Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện quan (Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam). Cơ quan báo: 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài Phát thanh truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Theo ông Dũng, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%.

"Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống", ông Dũng nói, đồng thời cho biết: Các doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông, nhất là những năm gần đây. Bên cạnh đó, nguồn lực và cơ chế của Nhà nước cho đặt hàng báo chí còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.

Hiện tại, các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ TTTT mong muốn, các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ đóng góp các ý kiến khách quan, về kinh tế báo chí hiện nay. Qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền những kiến giải tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.

Chuyển đổi số đang tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới cho báo chí

z5538416584459_ab153ec7457dce7dbaefdb488ce41dad.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - trình bày tham luận về cách các cơ quan báo chí trên thế giới tìm cách tạo ra nguồn thu mới. Ảnh Khánh Linh.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế báo chí, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam -  cho rằng, các đơn vị báo chí -truyền thông cần tìm cách đa dạng hóa nguồn thu để cải thiện và phát triển kinh tế báo chí; hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn" bên cạnh các nguồn thu khác từ quảng cáo, tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, làm truyền thông, thương mại điện tử… Điển hình như một nguồn thu mới của báo chí là thu phí nội dung trên báo chí điện tử và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả ...

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí và cần cải thiện hơn về cách thức hoạt động.

Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” gồm 3 phiên: Phiên toàn thể: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam; Phiên thảo luận chuyên đề: Mô hình kinh tế báo chí đặc thù Việt Nam; Phiên thảo luận chuyên đề: Phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ kinh tế số.

Bên cạnh đó, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cũng gợi mở hướng đi của báo chí thế giới mà Báo Nhân Dân đang vận dụng và có những kết quả tích cực như: Tổ chức sự kiện, workshop thu hút nhà tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ - trí tuệ nhân tạo... Đây là những mô hình mang tính dẫn dắt để các cơ quan báo chí có thể triển khai trong thời gian tới.

z5538416627766_2ff5440eaa0b4110a68d7a5557226526.jpg
PGS,TS. Bùi Chí Trung - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội - trình bày tham luận Nền kinh tế báo chí-truyền thông Việt Nam: Bức tranh toàn cảnh và những nút thắt. Ảnh Khánh Linh.

Theo PGS,TS. Bùi Chí Trung - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông: "Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay”

z5538416637241_1c885cae1c2e7f94dd3ea19923e9a77e.jpg
PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Khánh Linh.

Cũng theo ông Trung, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí. Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc, phần sức mạnh của mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp.

PGS,TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh: “Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài”.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh các mô hình kinh doanh hiện có ngày một kém hiệu quả, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trực tuyến và các nền tảng di động, các cơ quan báo chí truyền thông đều phải tái cơ cấu về tổ chức và hoạt động để thích ứng với logic phát triển kinh tế của môi trường truyền thông kỹ thuật số. Chuyển đổi số báo chí đang tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ số./.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

Cùng chuyên mục
Báo chí tìm cách đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh chuyển đổi số