Bảo đảm an toàn thông tin của công dân

(BKTO) - Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền công dân, bí mật đời tư của công dân khi sửa đổi Luật Căn cước công dân.

tl-to-s10.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 10/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP. Hà Nội), hiện nay, chúng ta đang triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, việc ban hành Dự án Luật này giúp người dân giảm thiểu giấy tờ, thủ tục hành chính khi giải quyết trên môi trường mạng, tăng cường công khai, minh bạch.

Nhất trí việc tích hợp một số thông tin về công dân vào Thẻ căn cước, nhằm góp phần giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong các giao dịch hành chính, dân sự, đi lại, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đại biểu Lan nhấn mạnh, việc tích hợp thông tin phải đi đôi với việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền công dân, bí mật đời tư của công dân.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ như thế nào để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người. “Cụ thể cấp quyền khai thác ra sao, ai được truy xuất và quyền truy xuất đến đâu? Chứ không phải ai cũng có quyền” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

phuong.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Các đại biểu cũng đánh giá cao Dự thảo Luật sửa đổi căn bản các nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân thành số định danh cá nhân, quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú và chữ ký của người cấp thẻ được thay thế bằng dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an" để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu đề nghị cần thống nhất giữa nơi sinh và nơi đăng ký khai sinh. Bởi nơi sinh thường là bệnh viện, nhưng khi đăng ký khai sinh lại có có thể ở tỉnh khác, thậm chí quốc gia khác.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể, nhất là đối với việc nhận dạng. Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn TP.Cần Thơ) chỉ ra thực tế: Rất nhiều trường hợp giải phẫu thẩm mỹ làm khuôn mặt hoàn toàn thay đổi. Chẳng hạn như có nốt ruồi ở một vị trí nào trên mặt trước đây gọi là “nhân dạng”, nhưng người ta có thể tẩy nốt ruồi đi. Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định chặt chẽ nhân dạng bẩm sinh.

Trao đổi một số vấn đề tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Tô Lâm (Đoàn Hưng Yên), Bộ trưởng Bộ Công An, đại diện Ban soạn thảo Luật nêu rõ, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ để không ai có thể xâm nhập lấy được dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay, Trung tâm Dữ liệu dân cư đã đi vào vận hành ổn định, hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý xã hội, đồng thời tạo thuận tiện lớn cho người dân.

Căn cước công dân với các thông tin tích hợp trong đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội hàng trăm nghìn tỷ đồng; Nhà nước tiết kiệm được chi phí tổng điều tra dân số mỗi lần 1.500 - 2.000 tỷ đồng, tiết kiệm hàng loạt giấy tờ về lái xe, chứng thực, sổ bảo hiểm, số theo dõi sức khỏe…

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin, trong Dự thảo luật đã bỏ quy định về vân tay và nhận dạng. Hiện nay chúng ta đã đưa công nghệ sinh học vào quản lý, bảo đảm không ai trùng với ai, thậm chí kể cả vân tay nhiều người lấy vân tay khó, người lao động không còn vân tay đều ứng dụng công nghệ để quản lý.

Để xây dựng, ban hành Luật Căn cước được hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử; kết nối, chia sẻ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư tới các Bộ, ngành, địa phương, nhất là bảo đảm việc khai thác thông tin trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của chính quyền cơ sở cấp xã, cấp huyện, của các tổ chức được giao thực hiện dịch vụ công…

Cùng chuyên mục
  • Rà soát, làm rõ các trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, minh bạch.
  • Dự thảo Luật Đất đai: Nhiều điểm mới, chỉnh sửa, bổ sung sau góp ý
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.
  • Đại biểu Quốc hội đề xuất nâng thời hạn thị thực
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc mở rộng danh sách các nước được đơn phương miễn thị thực, đồng thời tăng thời hạn thị thực đối với người nước ngoài nhằm tạo điều kiện xúc tiến đầu tư, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
  • Quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc bổ sung quy định về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, nhằm bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập…
  • Cần quy định rõ hơn về giám sát và trách nhiệm của nhà thầu
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 nhóm chính sách và đã có nhiều thay đổi so với Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm đảm bảo tính cụ thể và thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, một số nội dung và quy định trong Dự thảo Luật cần được cân nhắc thêm để đảm bảo tính hoàn thiện và khả thi khi Luật có hiệu lực.
Bảo đảm an toàn thông tin của công dân