Rà soát, làm rõ các trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng

(BKTO) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, minh bạch.

thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Chỉ thu hồi đất khi gắn với dự án cụ thể

Sáng 09/6, trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc và các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng.

Về các nội dung cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiên, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, liên quan đến quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, không quy định theo cách dẫn chiếu sang quy định tại các điều, khoản khác mà có quy định cụ thể, rõ ràng ngay tại điều này.

Trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để điều tiết chênh lệch giá trị tăng thêm từ đất do thay đổi quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân - nhà đầu tư và các trường hợp thu hồi đất để bảo đảm điều kiện thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất. Từ dự án đầu tư sẽ tạo ra nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước, đem lại lợi ích tổng thể cho toàn dân, toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát các quy định tại các điểm, khoản khác của Điều 79, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng. Việc thu hồi đất trong các trường hợp này chỉ được thực hiện khi gắn với dự án cụ thể.

Về căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 80, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà để bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật (luật định) gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”.

Quy định rõ khái niệm, tiêu chí xác định dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng

Góp ý về nội dung này tại phiên thảo luận ở Tổ ngay sau đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn TP. Cần Thơ) chỉ rõ, Dự thảo Luật chưa quy định rõ khái niệm “dự án phát triển kinh tế -xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”; cũng chưa xây dựng hệ tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

tl-to.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

“Điều này vừa gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng pháp luật về thu hồi đất, vừa dẫn đến kẽ hở trong việc lợi dụng thu hồi đất không đúng quy định, thu hồi đất bừa bãi, kém hiệu quả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất” - đại biểu nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu kiến nghị Dự thảo Luật cần bổ sung việc giải thích thuật ngữ trên; đồng thời quy định rõ tiêu chí để xác định dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: Phải mang lại lợi ích chung cho cộng đồng dân cư ở một địa bàn, địa phương; dự án do ngân sách nhà nước thực hiện hoặc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án được thực hiện nhằm mục đích công cộng, không vì mục đích kinh doanh.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cũng đề nghị Dự thảo Luật nên quy định về nội hàm của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và giao Chính phủ quy định các loại dự án cụ thể; bổ sung quy định dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích phát triển hạ tầng phục vụ công cộng và vì lợi ích phát triển quốc gia dựa vào vốn đầu tư công, vốn đầu tư tư nhân hoặc vốn đầu tư đối tác công tư; giao Chính phủ quy định các loại dự án cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) nhận xét, Điều 79 Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, đặc biệt với các trường hợp thu hồi đất để cung ứng dịch vụ công như các cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, dưỡng lão, phòng, chống dịch bệnh, cơ sở đào tạo, nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở thể dục thể thao…

Theo đại biểu, nhiều dịch vụ công hiện nay đã được thực hiện xã hội hóa, nếu thu hồi đất để phục vụ tư nhân cung ứng dịch vụ này thì không hợp lý./.

Cùng chuyên mục
  • Dự thảo Luật Đất đai: Nhiều điểm mới, chỉnh sửa, bổ sung sau góp ý
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.
  • Đại biểu Quốc hội đề xuất nâng thời hạn thị thực
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc mở rộng danh sách các nước được đơn phương miễn thị thực, đồng thời tăng thời hạn thị thực đối với người nước ngoài nhằm tạo điều kiện xúc tiến đầu tư, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
  • Quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc bổ sung quy định về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, nhằm bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập…
  • Cần quy định rõ hơn về giám sát và trách nhiệm của nhà thầu
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 nhóm chính sách và đã có nhiều thay đổi so với Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm đảm bảo tính cụ thể và thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, một số nội dung và quy định trong Dự thảo Luật cần được cân nhắc thêm để đảm bảo tính hoàn thiện và khả thi khi Luật có hiệu lực.
  • Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần được quản lý chặt chẽ, bảo mật
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật.
Rà soát, làm rõ các trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng