Đại biểu Quốc hội đề xuất nâng thời hạn thị thực

(BKTO) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc mở rộng danh sách các nước được đơn phương miễn thị thực, đồng thời tăng thời hạn thị thực đối với người nước ngoài nhằm tạo điều kiện xúc tiến đầu tư, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

202306021606595460_cqh_7131.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Mở ra cơ hội xúc tiến đầu tư và du lịch

Chiều 02/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương cấp thị thực điện tử và được sử dụng nhiều lần thay cho một lần, nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, mở rộng diện, điều kiện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP.Hà Nội) đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung chính sách về visa lần này đã tiếp cận những chuẩn mực quốc tế hàng đầu và sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư và xúc tiến du lịch.

“Đây là một món quà quan trọng hàng đầu cho các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài và là thông điệp rất quan trọng về chính sách tiếp tục hội nhập, mở cửa chào đón các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu đến với Việt Nam” - đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Về việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, đại biểu Lộc đề nghị nâng lên tối thiểu 15 đến 60 ngày.

Cùng với đó, nên mở rộng diện đơn phương miễn thị thực, đồng thời với việc mở rộng danh sách cho áp dụng thị thực điện tử vì hiện nay Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân 25 nước, thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.

Đại biểu Lộc cho biết, vừa qua, có những đối tác đầu tư kinh doanh hàng đầu nhưng họ không được hưởng chế độ này vì Luật hiện hành chỉ áp dụng đối với công dân các nước, chứ không có các vùng lãnh thổ nên họ không được hưởng các chế độ cần thiết với tư cách như là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống.

Trong khi đó, Campuchia, Lào và Đông Timor cũng đã miễn thị thực khi nhập cảnh cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực trong 30 đến 90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường chính của những nước này.

Như vậy, hiện tại, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15 - 50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5 đến 15% so với các nước ASEAN - đại biểu chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam trong Dự thảo Luật chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực.

Vì vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc tăng miễn thị thực, gia hạn, tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong Dự thảo Luật.

Xem xét quy định cho người quá cảnh tham quan du lịch miễn phí

Đồng tình việc nghiên cứu, xem xét mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực nhằm tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị xem xét, tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để tham quan du lịch trong một khoảng thời gian nhất định; có thể là miễn phí trong 48 giờ và thu phí nếu vượt quá 48 giờ.

Quy định này đã được áp dụng rất thành công tại các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần thu hút đáng kể một lượng khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng và kết hợp tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển - đại biểu Nguyễn Hải Anh phân tích.

Trong khi đó, đại biểu đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn TP. Cần Thơ) kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc cấp thị thực tại sân bay cho một số đối tượng tại một số nước và một số sân bay của nước ta.

Đồng thời, xem xét kéo dài thời hạn thị thực đối với các chuyên gia sang làm việc cho các dự án khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, nhất là ở các trường đại học và viện nghiên cứu được tối đa là 5 năm và có giá trị xuất, nhập cảnh một hay nhiều lần. Qua đó sẽ thu hút được nhiều chuyên gia đến với Việt Nam.

Cùng chuyên mục
  • Quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc bổ sung quy định về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, nhằm bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập…
  • Cần quy định rõ hơn về giám sát và trách nhiệm của nhà thầu
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 nhóm chính sách và đã có nhiều thay đổi so với Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm đảm bảo tính cụ thể và thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, một số nội dung và quy định trong Dự thảo Luật cần được cân nhắc thêm để đảm bảo tính hoàn thiện và khả thi khi Luật có hiệu lực.
  • Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần được quản lý chặt chẽ, bảo mật
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật.
  • Luật Hợp tác xã: Cần quy định cụ thể hơn về kiểm toán
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Chủ trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 là cần thiết để phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới. Trong đó, Luật cần có những quy định cụ thể hơn về kiểm toán HTX.
  • Có cần sửa luật quy hoạch?
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Vừa qua, có ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch với lý do một số quy định của Luật còn chưa cụ thể, dẫn đến khó thực hiện. Vậy, việc sửa Luật ở thời điểm này có thực sự cần thiết hay không?
Đại biểu Quốc hội đề xuất nâng thời hạn thị thực