Làm rõ tư cách hợp lệ và trách nhiệm của nhà thầu
Điểm c khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ khi đáp ứng điều kiện “không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản”. Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định này và đối chiếu với các quy định về mất khả năng thanh toán trong Luật Phá sản năm 2014. Đồng thời, cần quy định những bằng chứng và phương thức cần thiết để chứng minh nhà thầu không mất khả năng thanh toán.
Khoản 4 Điều 17 về hủy thầu quy định chưa rõ ràng về tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định tại Điều 90 của Luật này. Quy định này cần bổ sung làm rõ bù đắp chi phí đấu thầu lại gồm những gì, ai quyết định. Trường hợp có tranh chấp, các bên liên quan giải quyết theo những phương thức nào, nếu phải khởi kiện ra tòa, đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự hay là theo trình tự thủ tục như thế nào.
Về ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, điểm b khoản 1 Điều 71 quy định nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Quy định này cần bổ sung làm rõ hơn trường hợp người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư, thủ tục xác minh, thời gian, phương thức xử lý kết quả đấu thầu. Điều 69 quy định các nguyên tắc thực hiện hợp đồng đã nêu ra 3 nguyên tắc nhưng vẫn còn thiếu và chưa đảm bảo tính pháp lý. Những quy định pháp lý với chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn, nhà thầu là những chế tài cần được bổ sung trong Điều này.
Lựa chọn nhà thầu và đấu thầu trước
Khoản 2 Điều 10 quy định về 5 trường hợp ưu đãi trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Đây là một trong những quy định nhận được rất nhiều quan tâm của doanh nghiệp, đồng thời để phù hợp hơn với xu hướng phát triển hiện nay, Dự thảo Luật cần quy định thêm một số trường hợp ưu đãi đối với mua sắm bền vững.
Điều 42 Dự thảo Luật quy định cho phép đấu thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án hoặc trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đây là nội dung cần cân nhắc và xem xét lại bởi thực tế thời gian qua, việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, phát sinh nhiều tiêu cực.
Giám sát hoạt động đấu thầu
Điều 89 Dự thảo Luật cần phải có quy định về tổ chức xã hội, nghề nghiệp tham gia giám sát trong hoạt động đấu thầu, để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động này. Tổ chức giám sát xã hội có thể là hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí, các cơ quan đại diện cho nhóm yếu thế (hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội người khuyết tật)…
Trên thực tế, nhân dân đều cho rằng sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội trong hoạt động đấu thầu là cần thiết, đặc biệt ở giai đoạn “tổ chức lựa chọn nhà thầu”. Do đó, cần bổ sung quy định trong Điều 88 về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, không chỉ là hoạt động của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu mà cần có sự tham gia của tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Sự tham gia của tổ chức xã hội sẽ đảm bảo tính minh bạch đối với hoạt động đấu thầu./.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó, bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Dự thảo Luật đã được Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào ngày 24/5 vừa qua. Dự kiến, Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 23/6 tới.