Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 05/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Bổ sung quy định biện pháp xử lý sự cố rút tiền hàng loạt.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Dự thảo Luật nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

Đồng thời, tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) gồm 13 chương, 195 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 144 điều và bổ sung mới 10 điều.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Về đối tượng áp dụng, Dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.

Về các nội dung liên quan đến hoạt động của TCTD, với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống.

Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng; quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...

Đặc biệt, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, Dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua. Theo đó, Dự thảo Luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng...

Nghiên cứu, mở rộng đối tượng mua, bán nợ xấu

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các TCTD với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Về đối tượng áp dụng, bên cạnh đối tượng được mua, bán, xử lý nợ xấu gồm Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) như quy định tại Dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu rà soát mở rộng đối tượng bảo đảm thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là “các công ty công nghệ tài chính (Fintech)”.

Theo cơ quan thẩm tra, hiện Dự thảo Luật chưa có quy định cho phép các công ty Fintech được tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng. Trong khi đó, thời gian vừa qua, các công ty Fintech đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong hoạt động ngân hàng mà thực tế ở nhiều quốc gia đã được thị trường đón nhận và sử dụng rộng rãi như: cho vay, gọi vốn, thanh toán, bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân...

Các công ty Fintech lại không phải TCTD. Điều này có thể dẫn đến trường hợp xuất hiện các chủ thể không phải là TCTD như các công ty Fintech không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Các TCTD, không có cơ sở để Chính phủ và NHNN quy định hoạt động của các chủ thể này liên quan đến quy định của Điều 97 Dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - cơ quan thẩm tra chỉ rõ.

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Ủy ban Kinh tế thấy rằng quy định tại Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định. Vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn.

Cơ quan thẩm tra đề nghị, cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường./.

Cùng chuyên mục
Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng