Thu sai, thu trùng, chi dư bảo hiểm xã hội
KTNN chỉ rõ, theo Báo cáo tài chính năm 2021 và dự toán thu chi Quỹ BHXH ba năm 2022-2024, kết dư Quỹ BHXH trong năm 2021 là 100.178 tỷ đồng, số dư Quỹ chuyển năm sau là 962.808 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2022-2024 Quỹ BHXH sẽ tiếp tục thặng dư, năm 2022, 2023, 2024 thặng dư lần lượt là 66.893 tỷ đồng, 76.111 tỷ đồng và 81.736 tỷ đồng.
Qua kiểm toán cho thấy, số kết dư Quỹ năm 2021 là 100.170 tỷ đồng và số dư Quỹ chuyển năm sau là 962.800 tỷ đồng, tương ứng giảm 8 tỷ đồng so với số báo cáo của BHXH Việt Nam.
Đáng chú ý, qua rà soát hệ thống, KTNN phát hiện một số trường hợp thu, chi BHXH không đúng quy định. Cụ thể, đã thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 4,4 tỷ đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 463 triệu đồng; thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trùng đối tượng đóng BHXH bắt buộc 4.815 trường hợp với số tiền hơn 37,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, KTNN chỉ ra việc chi sai chế độ BHXH đối với 28 trường hợp là chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng BHXH với số tiền 356 triệu đồng; chi trợ cấp BHXH một lần đối với 91 trường hợp chưa đúng quy định với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Một số trường hợp người hưởng chế độ BHXH (được chi trả qua bưu điện) đã chết nhưng bưu điện chưa phát hiện để báo giảm kịp thời và chưa tính lãi phạt đầy đủ.
Bình luận về kết quả kiểm toán, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) đặt câu hỏi: “Những khoản chi sai, chi trùng, nợ BHXH của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí về nguồn lực, cơ hội của hàng triệu người lao động hay không?”. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, tổ chức đánh giá độc lập đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm để có thay đổi và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn.
Liên quan đến việc thu, chi BHXH đối với chủ hộ kinh doanh không đúng đối tượng đóng, đối tượng thụ hưởng theo quy định của luật, KTNN kiến nghị BHXH Việt Nam báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết đối với các trường hợp này.
Làm rõ hơn vấn đề này tại phiên chất vấn ngày 06/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang đề xuất điều chỉnh chính sách theo hướng chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang tham gia BHXH bắt buộc để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Kiên quyết khởi kiện hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội
Liên quan đến tình hình quản lý nợ đọng, chậm đóng BHXH, theo kết quả kiểm toán, đến ngày 31/12/2021, báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, có 5.748.228 lao động tại 205.961 đơn vị sử dụng lao động bị nợ BHXH với số tiền nợ gốc là 12.757 tỷ đồng (tăng 1.773 tỷ đồng so với năm 2020); nợ lãi là 3.593 tỷ đồng (tăng 433 tỷ đồng so với năm 2020) chiếm 3,09% và 0,87% số thu bảo hiểm của năm 2021.
KTNN chỉ ra, có BHXH tỉnh, thành chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc xử phạt hành chính, khởi kiện để xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, chưa tính lãi chậm đóng. Đáng chú ý, đến ngày 31/12/2021, số nợ đọng của 29.724 đơn vị tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn là 3.083 tỷ đồng song chưa có quy định, hướng dẫn xử lý để giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Trước tình hình trên, KTNN kiến nghị BHXH Việt Nam theo dõi tiền lãi các khoản nợ đọng, chậm đóng đầy đủ, đúng quy định và tăng cường các biện pháp xử phạt hành chính, khởi kiện để xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng, chậm đóng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền báo cáo Chính phủ xử lý đối với khoản nợ đọng của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, hiện nay không thể thu hồi; giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về căn cơ, lâu dài phải sửa Luật BHXH, trong đó bổ sung quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng. “Hành vi trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự, nhưng khái niệm và phạm vi không xác định rõ được. Do đó, hiện nay chưa xử lý được trường hợp nào. Ví dụ như TP. Hồ Chí Minh, có tới 84 đơn để chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được” - Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, sẽ áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết và hiệu quả hơn theo thông lệ quốc tế cho phép, như: Dừng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với người không chấp hành; quy định lại đối tượng người được khởi kiện về BHXH… để thực hiện hiệu quả hơn.
Không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc thiếu cơ sở vững chắc để khởi kiện, xử lý tình trạng nợ BHXH, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, Tòa án và đặc biệt là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc để giải quyết vấn đề này. “Không thể nói rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự trường hợp trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền BHXH. Vì tiền đó đã trừ vào lương của người lao động và hậu quả của nó rất nghiêm trọng. Tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để giải quyết, kể cả giải quyết trách nhiệm hình sự. Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay cũng không thể nói rằng bất lực, không xử lý được tình trạng này” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật. Qua chất vấn cho thấy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để xử lý việc này, chứ không phải chờ bổ sung hay hoàn thiện theo quy định nào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ