Đặt lợi ích của người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu

(BKTO) - Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung khi trả lời chất vấn về vấn đề nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), thu BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể không đúng quy định…

bt-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Có chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn với việc chậm nộp, trốn đóng BHXH

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) nêu: Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu BHXH toàn dân.

Đại biểu đề nghị Bộ nêu rõ có nên đề nghị Trung ương thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung Quỹ quốc gia việc làm với địa phương.

Trả lời của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút BHXH một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19.

Để giải quyết vấn đề này, phải tìm ra nguyên nhân và các giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp để giảm và tiến tới không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần đó là phải tạo công ăn việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động phải tốt lên. Đồng thời, phải điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Với đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ, ông Dung cho rằng, đây cũng là một căn cứ và “sẽ suy nghĩ thấu đáo”, có đánh giá tác động kỹ lưỡng, căn cứ và hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng chậm và trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, năm 2022 chậm đóng và trốn đóng BHXH là 8.560 tỷ đồng, tăng 2,69% so với 2021. Trong đó, có 26.670 doanh nghiệp đơn vị chậm đóng, có một bộ phận là trốn đóng.

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng, do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt có đơn vị cố tình chậm nộp. Bên cạnh đó, do cơ quan quản lý chưa quản lý chưa hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt…

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo cơ quan BHXH thực hiện theo nguyên tắc thu của người lao động đến đâu thì thực hiện chính sách đến đó, tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng, bảo lưu.

Về căn cơ, lâu dài, sẽ sửa Luật BHXH, trong đó quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng. Thời gian qua, mặc dù đã có quy định xử lý hình sự nhưng do chưa xác định rõ hành vi nên chưa xử lý được trường hợp này.

“Sẽ áp dụng một số chế tài để trình Quốc hội trong sửa Luật bảo hiểm, áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn và hiệu quả hơn như thông lệ quốc tế cho phép, như dừng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với người không chấp hành; quy định lại đối tượng người được khởi kiện về BHXH…” - Bộ trưởng nêu rõ.

Điều chỉnh chính sách để hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc

Liên quan đến vấn đề thu BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, thời gian qua, cơ quan BHXH có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể.

ma-thuy.jpg
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy chất vấn về vấn đề thu BHXH đối với hộ kinh doanh cá thể sai quy định. Ảnh: VPQH

Đây không phải là đối tượng được quy định đóng BHXH bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ đã phát hiện vấn đề này và chấn chỉnh cơ quan BHXH, về cơ bản, vấn đề này đến nay đã được giải quyết.

Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH và Ban Kinh tế Trung ương đã kết thúc 8 đoàn kiểm tra xung quan vấn đề này và chuẩn bị cho việc sửa Luật BHXH. Tuy nhiên, do đây là nội dung chưa được quy định trong luật nên cần phải đánh giá cụ thể.

“Chúng ta phải đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi, xử lý” - Bộ trưởng nêu quan điểm.

Về hướng giải quyết, theo Bộ trưởng, có 3 cách. Thứ nhất, Bộ đang đề xuất và tới đây nếu luật được Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang BHXH bắt buộc để bảo quyền lợi cho người lao động.

Thứ hai, đối với những trường hợp không muốn hoặc không có đủ hoặc không có nhu cầu tham gia thì có thể chuyển sang BHXH tự nguyện.

Trường hợp các bên không đồng ý thì phải thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động và tính lãi phải tính bằng tăng trưởng của Quỹ BHXH.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hướng giải quyết tốt nhất cho người lao động là khuyến khích và điều chỉnh chính sách để chuyển đối tượng này sang BHXH bắt buộc để về già có lương hưu và có cuộc sống ổn định./.

Cùng chuyên mục
Đặt lợi ích của người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu