Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lao động xuất khẩu bị lừa bởi các công ty “ma”

(BKTO) - Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị lừa chủ yếu qua các công ty “ma”, công ty không được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

nga.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: VPQH

Sáng 06/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu rõ, những năm qua, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số người bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng.

“Nguyên nhân của tình trạng trên theo Bộ trưởng là gì và những giải pháp khắc phục của Bộ trưởng trong thời gian tới?” - đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.000 người. Số lao động này là do các công ty, doanh nghiệp được cấp phép đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, trên cả nước có 482 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp được cấp phép rất ít khi bị lừa.

“Phần đông người lao động bị lừa đi làm việc ở nước ngoài đều qua các công ty “ma”, công ty không được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc lừa đảo” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bị lừa bởi chính các doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có trường hợp bị lừa ở cả 2 đầu, phía doanh nghiệp Việt Nam và phía doanh nghiệp nước ngoài.

Ở phía doanh nghiệp Việt Nam, người lao động bị lừa thu tiền cao hơn tiền môi giới, lừa sang làm việc không đúng ngành nghề đào tạo nên sang nước bạn bị trả về.

Ở phía doanh nghiệp nước ngoài, người lao động có thể phải làm việc không đúng cam kết, nên lao động phải trốn ở lại…

“Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xử phạt nhiều, năm 2022, Thanh tra Bộ đã xử phạt tiền với 62 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Về giải pháp giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới, bộ sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền đến thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…

Đề cập đến tình trạng người lao động sang làm việc ở nước ngoài rồi bỏ trốn, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động đang có ý định tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Theo đại biểu, mặc dù đã có chế tài nhưng tình trạng người lao động sang làm việc ở nước ngoài rồi bỏ trốn vẫn diễn ra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để giảm thiểu tối đa tình trạng này.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng người lao động sang làm việc ở nước ngoài rồi bỏ trốn hiện nay không bức xúc bằng những năm 2017.

Ngày 06/6/2017, cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cũng trả lời đại biểu Quốc hội về tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài.

Thời điểm đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc lên tới 52,5%. Hàn Quốc đã phải dừng toàn bộ chương trình EPS (chương trình sử dụng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) với Việt Nam.

Sau 4 năm, Việt Nam kiên trì cùng phía Hàn Quốc thực hiện nhiều giải pháp như ký quỹ; phía bạn trục xuất, thậm chí xử lý hình sự với lao động nước ngoài bỏ trốn ở Hàn Quốc.

Đến thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải tạm dừng đưa lao động của 18 huyện thuộc 9 tỉnh đi lao động ở Hàn Quốc theo yêu cầu của phía bạn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc chỉ còn 24,6%, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ lao động bỏ trốn thấp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để thực hiện tốt hơn các giải pháp, hạn chế lao động đi làm việc ở nước ngoài rồi bỏ trốn.

Cùng chuyên mục
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lao động xuất khẩu bị lừa bởi các công ty “ma”