Xác định đối tượng, quy mô cấp phép, đăng ký khai thác tài nguyên nước
Sau khi nhận được ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật TNN tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo vệ TNN và phục hồi nguồn nước; hoạt động điều hòa, phân phối TNN, kịch bản nguồn nước và trách nhiệm của các bộ liên quan; đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng TNN; khuyến khích, ưu tiên sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; trách nhiệm quản lý TNN…
Tại cuộc họp, đại diện một số Bộ, ngành kiến nghị cần Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) bổ sung đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật TNN; làm rõ phạm vi quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn; xác định đối tượng, quy mô cấp phép, đăng ký khai thác TNN cũng như thẩm quyền và phân cấp thẩm quyền của cơ quan từng cấp…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị khẩn trương thiết lập cơ sở dữ liệu TNN đồng bộ, chính xác, khoa học và thúc đẩy chuyển đổi số của cơ quan quản lý và doanh nghiệp làm cơ sở điều hòa, phân phối TNN dựa trên kế hoạch tổng thể sử dụng nước của các ngành kinh tế; làm rõ vai trò của tổ chức lưu vực sông.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, Luật cần bổ sung quy định kiểm soát chất lượng nước trong quá trình bơm, cấp nước sinh hoạt đến người dùng trực tiếp; nghĩa vụ, trách nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân tự khai thác, sử dụng nước ngầm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề xuất chính sách, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước và hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn được tiếp cận nước sạch; tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm của người dân.
Giá dịch vụ cung cấp nước phải được tính đúng, tính đủ
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao chất lượng Dự thảo Luật TNN sửa đổi, được các đại biểu Quốc hội đồng thuận khá cao khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau như phân định chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi điều chỉnh…
Các ý kiến đóng góp trí tuệ, xác đáng của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, thống nhất để Dự thảo Luật rõ ràng, khúc chiết, đầy đủ, sâu sắc hơn.
Theo Phó Thủ tướng, trên thực tế, Việt Nam là quốc gia khan hiếm nước, nhưng các cấp, các ngành và người dân chưa nhận thức đúng về vấn đề này, cũng như tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tác hại liên quan đến nước trên diện rộng ngày càng tăng. Bên cạnh đó là những thách thức từ biến đổi khí hậu, tác động kép của phát triển kinh tế, từ hoạt động kinh tế - xã hội của các nước có chung biên giới, lưu vực sông.
"Việc xây dựng đạo luật có cơ sở khoa học, bám sát thực tiễn, nhận thức đầy đủ góp phần quan trọng trong giải quyết "bài toán" quản lý TNN tại Việt Nam" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TNMT - cơ quan soạn thảo - quán triệt quan điểm Luật TNN phải điều chỉnh tất cả các loại nước, sau đó tùy theo tính chất, giá trị của từng loại nước để có hình thức quản lý phù hợp thuộc thẩm quyền, chuyên môn của các bộ, ngành. Phạm vi quản lý của Luật TNN không dừng lại ở những nơi có nước mà phải bao trùm từ nơi sinh thủy đến "vòng đời" của nước.
"Luật TNN phải thể chế hóa những thỏa thuận Việt Nam tham gia về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước xuyên quốc gia, thực hiện chiến lược TNN quốc gia" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phân định rõ chức năng quản lý TNN và hoạt động khai thác, sử dụng bền vững TNN cho các mục đích thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp, thủy điện… Công tác quản lý TNN phải tiếp cận tổng hợp các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia theo cơ chế liên ngành, liên vùng; thực hiện phân cấp triệt để; đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua chuyển đổi số, tích hợp nhiều quy trình, dùng chung số liệu, thông tin khi giải quyết các thủ tục hành chính về quản lý, cấp phép, khai thác, sử dụng TNN…
Luật cũng cần có quy định chặt chẽ hoạt động quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước thống nhất, tránh lãng phí, có cơ sở dữ liệu dùng chung; chú ý bảo vệ hành lang hồ, đập liên quan đến cấp nước sinh hoạt; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước dùng sinh hoạt, hoạt động y tế, nông nghiệp, thủy sản…
Phó Thủ tướng nêu rõ: Luật phải bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch cho mọi người dân. Giá dịch vụ cung cấp nước phải được tính đúng, tính đủ; đồng thời đánh giá tác động đối với người dùng nước, nhất là đối tượng yếu thế, khó khăn, người nghèo, làm cơ sở bố trí NSNN hỗ trợ, bảo đảm công bằng, bình đẳng tiếp cận nước.
Hoạt động quản lý, phân bổ TNN cần căn cứ vào kịch bản và diễn biến của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến nước để có phương thức điều phối, phân bổ cho các mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có định hướng phát triển các ngành kinh tế và ưu tiên cho các hoạt động thiết yếu.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ, cải thiện, phát triển nguồn nước, Phó Thủ tướng đề nghị Dự thảo Luật làm rõ hơn chính sách bảo vệ, phát triển TNN, nhất là tại những vùng khan hiếm nước, không có nước mặt, nước ngầm hoặc nguồn nước ngầm hạn chế như các đảo hay khu vực sụt giảm, ô nhiễm nước ngầm do khai thác quá mức. Mục tiêu đặt ra là kiểm soát sự cân bằng, bổ sung, bảo vệ nguồn nước ngầm; kết hợp kinh tế tuần hoàn và cải thiện nguồn nước, đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn tái chế nước, xử lý nước thải trước khi đưa trở lại môi trường.
"Luật TNN quy định các chính sách bảo vệ nguồn nước, quyền tiếp cận nước bình đẳng, sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích xã hội hóa… còn công cụ thực hiện phải tuân thủ các luật chuyên ngành về thuế, quy hoạch, xây dựng… bảo đảm không chồng chéo" - Phó Thủ tướng lưu ý thêm./.