Bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2020: Nhiều bất cập đã được chấn chỉnh, khắc phục

(BKTO) - Qua đánh giá hồ sơ môi trường của 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động tại 2 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2020, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ghi nhận nhiều điểm tích cực từ các đơn vị, nhưng cũng chỉ ra một số bất cập cần khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại tỉnh này.

t7.jpg
KTNN chỉ ra một số bất cập cần khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh minh họa

Ghi nhận nhiều điểm tích cực từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Nhiều điểm tích cực từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được KTNN ghi nhận và nêu rõ trong báo cáo kiểm toán.

Cụ thể, các cơ sở đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý khí thải tuân thủ theo thiết kế được phê duyệt; vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống xử lý khí thải thường xuyên, bảo đảm theo quy trình, quy định nội bộ và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Khí thải phát sinh được thu gom, xử lý đầy đủ và được theo dõi, giám sát thường xuyên, chặt chẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi xả ra môi trường. Trong giai đoạn 2017-2020, có 7/8 cơ sở đã thực hiện trách nhiệm về quản lý, bảo vệ môi trường, được phê duyệt hồ sơ môi trường.

Tuy nhiên, có 1/8 cơ sở đang hoạt động chưa được phê duyệt hồ sơ môi trường theo quy định, mặc dù đơn vị đã lập hồ sơ trình phê duyệt nhưng hồ sơ vẫn chưa đầy đủ.

Cũng chỉ có 1/8 cơ sở thành lập được bộ phận quản lý môi trường và ban hành các quy định nội bộ về quản lý, bảo vệ môi trường. Các đơn vị khác vẫn chưa thành lập được do mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chỉ cử cán bộ kiêm nhiệm theo dõi hoạt động bảo vệ môi trường.

Có 4/8 cơ sở thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo công tác quản lý môi trường định kỳ, đột xuất, chấp hành nghiêm túc các kế hoạch, đề án quản lý môi trường và các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Còn 4 đơn vị vẫn chưa thực hiện chế độ báo cáo công tác quản lý môi trường định kỳ theo quy định. Tuy tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ này đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tuân thủ theo thiết kế được phê duyệt tại hồ sơ môi trường, thực hiện xả thải theo giấy phép được duyệt nhưng vẫn chưa thực hiện đấu nối vào Hệ thống xử lý nước thải chung của KCN.

KTNN cũng ghi nhận và đánh giá cao việc các cơ sở này thực hiện công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải thường xuyên, đảm bảo theo quy trình, quy định nội bộ và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các cơ sở được thu gom, xử lý đảm bảo quy trình theo phê duyệt tại hồ sơ môi trường. Nước thải phát sinh được xử lý và xả ra môi trường được theo dõi, giám sát thường xuyên, chặt chẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Các cơ sở cũng đã thực hiện thu gom, phân loại và xây dựng, bố trí hệ thống lưu giữ chất thải rắn phát sinh cơ bản đảm bảo theo hồ sơ môi trường được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ năm 2017-2020, còn một số cơ sở chưa tuân thủ theo hồ sơ môi trường được phê duyệt.

Trong đó, Nhà máy Gang thép Tuyên Quang không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh và bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đến thời điểm kiểm toán, đơn vị đã khắc phục bất cập này.

Yêu cầu tiếp tục khắc phục một số bất cập còn tồn tại

Tại Nhà máy Hợp kim sắt MIMECO Tuyên Quang của Công ty Cổ phần Khoáng sản và cơ khí, KTNN chỉ rõ, năm 2018, đơn vị chưa xây dựng bãi chứa xỉ thải theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường; chất thải rắn sản xuất được lưu giữ ngoài trời không có mái che, không có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn.

Nhưng đến năm 2019, đơn vị đã xây dựng và đưa vào sử dụng bãi chứa xỉ thải theo quy định. Còn tại Trạm chiết nạp gas và Nhà máy sản xuất vỏ bình gas của Công ty TNHH MTV Vạn Lộc Tuyên Quang trước đó chưa có hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt, trong năm 2018, đơn vị đã ký hợp đồng thu gom rác thải.

Đáng chú ý, năm 2018, Nhà máy viên gỗ nén của Công ty Cổ phần Năng lượng xanh An Hòa chưa thực hiện thu gom lưu trữ chất thải nguy hại đúng quy định; chưa bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, khu vực chứa nguyên liệu chưa có mái che và chưa có hệ thống rãnh thu gom nước mặt theo quy định; nhà xưởng sản xuất có nồng độ bụi lơ lửng lớn. Đến thời điểm kiểm toán, đơn vị vẫn chưa có hồ sơ môi trường được duyệt nên các tồn tại trên vẫn chưa có cơ sở để thực hiện khắc phục.

Đối với 1 cơ sở khác (Nhà máy cơ khí đúc của Công ty TNHH Tam Cửu), tuy cũng mắc các sai sót tương tự, nhưng đến thời điểm kiểm toán, đơn vị đã khắc phục xong các tồn tại, hạn chế được chỉ ra. Năm 2019, Nhà máy cơ khí đúc đã bị xử phạt vi phạm hành chính do không xây dựng bãi chứa xỉ thải theo cam kết và đơn vị đã nộp phạt, khắc phục trong năm 2019.

Còn 1 cơ sở khác (Nhà máy chế biến khoáng sản Barit và Fenspat của Công ty TNHH 27/7) đang hoạt động trong KCN của tỉnh Tuyên Quang cũng chưa thực hiện thu gom lưu giữ chất thải nguy hại đúng quy định. Tuy nhiên, tồn tại này đã được đơn vị khắc phục trong năm 2018.

Trước những vấn đề bất cập còn chưa được khắc phục, KTNN kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang phải kiểm tra, đôn đốc Công ty TNHH Tam Cửu thực hiện đầy đủ các công trình biện pháp môi trường, xây dựng các hạng mục công trình, kiểm tra cấp giấy xác nhận hành thành các công trình biện pháp môi trường theo quy định.

Đồng thời, Sở cũng phải thực hiện đôn đốc, hướng dẫn Nhà máy viên gỗ nén của Công ty Cổ phần Năng lượng xanh An Hòa thực hiện đầy đủ hồ sơ môi trường, thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường theo quy trình, thủ tục đã được quy định, làm cơ sở để đơn vị thực hiện và khắc phục các hạn chế.

Cùng với đó, Sở cần yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo công tác quản lý môi trường định kỳ, đột xuất theo quy định; theo dõi, giám sát hiện trạng môi trường một cách đầy đủ, thường xuyên, thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Ban Quản lý các KCN tỉnh Tuyên Quang phải chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát các nhà máy, doanh nghiệp, dự án trong KCN về việc hoàn thiện hồ sơ môi trường, thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết trong hồ sơ môi trường được phê duyệt.

Cùng chuyên mục
Bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2020: Nhiều bất cập đã được chấn chỉnh, khắc phục