Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020: Thiếu vốn lớn, chưa hoàn thành mục tiêu đề ra

(BKTO) - Qua kiểm toán tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và 18 tỉnh tham gia Chương trình trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, các đơn vị, địa phương được giao thực hiện Chương trình đã có nhiều cố gắng và bước đầu đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến không hoàn thành được mục tiêu, nội dung đặt ra trong giai đoạn này.

16738640535111234-16770575660102032385798.jpg
Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến mục tiêu, nội dung của Chương trình. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Bất cập trong quản lý, điều hành thực hiện Chương trình

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 5 năm thực hiện, các công trình, dự án thuộc Chương trình được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện liên kết giữa các vùng, miền nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; từ đó tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo mục tiêu của Chương trình.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ KHĐT chưa làm tốt vai trò của Chủ Chương trình trong quản lý, thực hiện Chương trình để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện tại các địa phương như: chưa kịp thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; chưa tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện… dẫn đến kết quả thực hiện ở nhiều địa phương còn tồn tại, hạn chế, không hoàn thành đầy đủ mục tiêu, nội dung và các nhiệm vụ khác của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện ý kiến của KTNN khi kiểm toán Chương trình các năm 2018 và 2019, Bộ KHĐT đã tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy định về mục tiêu cụ thể và đối tượng của Chương trình tại Quyết định số 1509/QĐ-TTg ngày 04/11/2019. Tuy nhiên, qua kiểm toán lần này cho thấy, quyết định phê duyệt điều chỉnh Chương trình vẫn còn những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả, tình hình quản lý, điều hành, thực hiện Chương trình.

Cụ thể như không xây dựng kèm theo Quyết định danh mục dự án thuộc Chương trình, bao gồm các chỉ tiêu quan trọng của từng dự án: nhu cầu kế hoạch vốn, năng lực tăng thêm khi hoàn thành, tiến độ thực hiện…, dẫn đến thiếu cơ sở để đánh giá tình hình, kết quả của từng dự án, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp thực hiện cũng như tổng kết đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu Chương trình.

Bộ KHĐT còn đưa vào mục tiêu cụ thể của Chương trình bao gồm cả các dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2015 để bố trí vốn trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, dự án chuẩn bị đầu tư và các dự án khởi công mới nhưng hoàn thành sau giai đoạn 2016-2020, dẫn đến không tạo ra năng lực tăng thêm cho Chương trình giai đoạn này, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu cụ thể đã được phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, việc bổ sung, điều chỉnh về mục tiêu cụ thể, đối tượng của Chương trình chưa xem xét để tính toán, điều chỉnh các nội dung khác có liên quan, để phù hợp với tình hình thực hiện thực tế như: tổng nhu cầu vốn, cơ cấu các nguồn vốn…

Thiếu vốn lớn dẫn đến nguy cơ nợ đọng và chậm tiến độ

Theo báo cáo kiểm toán, đến hết năm 2020, tổng kinh phí đã bố trí cho Chương trình là hơn 83,1 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) là hơn 54,7 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác là hơn 28,3 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả bố trí vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương (NSTW) cho Chương trình giai đoạn 2016-2020 còn thiếu vốn lớn so với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình đã được phê duyệt. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư phát triển từ NSTW thiếu gần 38,9 nghìn tỷ đồng, tương đương thiếu 38,2%. Mặc dù theo Quyết định phê duyệt Chương trình, giai đoạn này dự kiến bố trí gần 26,5 nghìn tỷ đồng vốn ODA nhưng thực tế kế hoạch đầu tư công trung hạn không cân đối, bố trí vốn ODA cho Chương trình.

Kết quả bố trí vốn đầu tư công trung hạn từ NSTW cho Chương trình giai đoạn này còn thiếu khoảng 132,5 nghìn tỷ đồng so với nhu cầu vốn của các dự án thuộc Chương trình. Điều này dẫn đến nguy cơ có thể phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản nếu tiếp tục thi công để đảm bảo tiến độ hoặc công trình bị chậm tiến độ do bố trí vốn không đủ so với nhu cầu vốn của các dự án.

Bố trí vốn đầu tư hàng năm còn thiếu hơn 106,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 56,1%) so với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình được phê duyệt. Các dự án của Chương trình được bố trí vốn hàng năm thiếu gần 161 nghìn tỷ đồng so với nhu cầu vốn của các dự án.

“Với khả năng bố trí vốn hàng năm bình quân của NSTW, ngân sách địa phương như trong giai đoạn 2016-2020 thì ước tính phải khoảng 13 năm (đối với NSTW) và khoảng 4 năm (đối với ngân sách địa phương) mới có thể bố trí đủ vốn cho các dự án của Chương trình” - Báo cáo kiểm toán nêu rõ.

KTNN cũng chỉ ra, hầu hết các địa phương đều chưa cân đối đủ ngân sách địa phương và vốn huy động khác để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình theo cam kết trong Quyết định phê duyệt; một số tỉnh, thành phố không bố trí vốn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành các dự án như: Hà Nội, Tiền Giang; một số tỉnh bố trí rất ít như: Thừa Thiên Huế (5%), Ninh Bình (6%)…

Trong khi đó, tại một số tỉnh được kiểm toán lại có tình trạng bố trí vốn cho một số dự án dàn trải, vượt thời gian quy định; bố trí vốn chưa tuân thủ các nguyên tắc, định mức, thứ tự ưu tiên; lập kế hoạch vốn chưa sát với khả năng giải ngân, tiến độ thực hiện dự án dẫn đến vốn đã được bố trí phải điều chỉnh hoặc bị hủy kế hoạch vốn. Đồng thời, bố trí vốn NSTW của Chương trình cho 108 dự án chưa phù hợp mục tiêu cụ thể, chưa đủ căn cứ chứng minh phù hợp đối tượng của Chương trình, với tổng vốn NSTW đã bố trí là hơn 3,7 nghìn tỷ đồng.

Theo KTNN, mặc dù số vốn đầu tư đã bố trí thiếu rất lớn so với Quyết định phê duyệt Chương trình và nhu cầu vốn của các dự án, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng Bộ KHĐT và Bộ Tài chính chưa có phương án báo cáo Chính phủ để xem xét, tập trung bố trí thêm nguồn vốn phù hợp để thực hiện Chương trình, bảo đảm mục tiêu đề ra.

Vì vậy, KTNN kiến nghị Bộ KHĐT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục bố trí nguồn vốn NSTW còn thiếu đối với các dự án chưa hoàn thành, chuyển tiếp sang giai đoạn 20201-2025 thuộc Chương trình để hoàn thành mục tiêu của Chương trình; đồng thời đôn đốc các địa phương bố trí đủ vốn đã cam kết để thi công hoàn thành đúng tiến độ các dự án…/.

Đến hết năm 2020 (năm kết thúc Chương trình), tại các tỉnh, thành phố được kiểm toán chưa hoàn thành đầy đủ các dự án đầu tư trong danh mục, chưa tạo ra năng lực tăng thêm tương ứng, chưa đạt được mục tiêu cụ thể của Chương trình.

Tổng hợp kết quả Chương trình tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thực hiện khoảng 1.265/1.476 dự án. Trong đó, tăng thêm khoảng 3.734km/5.134km đường giao thông (đạt 72,73%), mục tiêu cụ thể chưa đạt được là 1.400km; cải tạo, nâng cấp và tăng thêm khoảng 44.484ha/161.589ha tưới tiêu (đạt 27,52%), mục tiêu cụ thể chưa đạt được là khoảng 117.105ha.

Đồng thời, hoàn thành 40/47 cầu (đạt 85,11%); hoàn thành 7/9 bệnh viện cấp tỉnh, huyện (đạt 81,81%); hoàn thành 33/39 trường đại học, dạy nghề, trung tâm huấn luyện cấp tỉnh (đạt 84,61%); hoàn thành 123/130 dự án trung tâm hành chính các địa phương (đạt 94,61%); hoàn thành 15/22 kho lưu trữ (đạt 68,18%).

Cùng chuyên mục
Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020: Thiếu vốn lớn, chưa hoàn thành mục tiêu đề ra