Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Thái Nguyên có thiếu sót trong bảo vệ môi trường

(BKTO) - Có khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đi vào hoạt động khi chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đấu nối xả thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung; hệ thống thoát nước thải chưa thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt.

t7.jpg
KTNN đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong hoạt động quản lý môi trường tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh minh họa

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; việc xây dựng và vận hành các công trình bảo vệ môi trường chưa tuân thủ theo các cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đó là một số phát hiện kiểm toán tiêu biểu được đưa ra sau khi Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán Chuyên đề Hoạt động quản lý môi trường tại Ban quản lý các khu kinh tế và KCN giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hạ tầng bảo vệ môi trường khu công nghiệp chưa đảm bảo

Qua kiểm toán, KTNN phát hiện hệ thống thoát nước thải trong KCN Điềm Thụy A chưa thực hiện theo đúng quy hoạch tại Quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KCN Điềm Thụy, trên phần diện tích còn lại là 180ha.

Cụ thể, hệ thống thoát nước không thực hiện tách riêng hệ thống thoát nước thải với hệ thống thoát nước mưa. Vị trí cửa xả nước thải chưa được đặt tại vị trí cống hộp hiện có tại Quốc lộ 3.

Hệ thống thoát nước thải tại KCN Điềm Thụy A chưa đảm bảo theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) dẫn đến chưa đáp ứng điều kiện để được Sở TNMT phê duyệt cấp giấy phép xả thải theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Theo KTNN, tuy KCN Điềm Thụy A đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật kết nối và truyền dữ liệu về Sở TNMT để phục vụ việc theo dõi, giám sát chất lượng xả thải từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.

KTNN đánh giá, điều này là chưa phù hợp với quy định của Bộ TNMT, tuy nhiên được gia hạn hoàn thành đến hết ngày 31/12/2021 theo quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020.

Về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, KCN Điềm Thụy B đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, KCN Nam Phổ Yên khu C chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Còn tại KCN Sông Công I có 7/43 cơ sở sản xuất kinh doanh (bao gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Sao Mai, Công ty Cổ phần Phong Phú, Công ty Cổ phần Thép Nam Phong, Công ty Cổ phần Thép Thái Nguyên, Công ty Hiệp Hương, Công ty TNHH Bê tông và xây dựng Thâm Quyết, Công ty TNHH Rand) chưa thực hiện đấu nối xả thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, như vậy, chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ quy định

Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giai đoạn 2017-2020, nhìn chung, các cơ sở đã xây dựng và vận hành hệ thống công trình bảo vệ môi trường tuân thủ theo các quy định; các đơn vị được kiểm tra đối chiếu đã thực hiện đầy đủ các kết luận theo ý kiến của cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, qua tổng hợp việc lập hồ sơ môi trường, KTNN phát hiện đến thời điểm kiểm toán còn có 5 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa có hồ sơ môi trường.

Cụ thể gồm: 2 doanh nghiệp tại KCN Sông Công I và 3 doanh nghiệp tại KCN Điềm Thụy A, trong đó có 3 dự án đã nộp hồ sơ nhưng đang trong quá trình xử lý (1 dự án tại KCN Sông Công I đã nộp hồ sơ môi trường tại UBND TP. Sông Công; 1 dự án tại KCN Điềm Thụy A đã nộp hồ sơ môi trường tại UBND huyện Phú Bình và 1 dự án đã nộp hồ sơ môi trường tại Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên).

Đáng chú ý, KTNN đã chỉ ra Công ty TNHH Shinsung C&T Vina (Dự án Nhà máy Shinsung C&T Vina, KCN Điềm Thụy) chưa tuân thủ các quy định về lập hồ sơ môi trường đối với việc nâng công suất hoạt động thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Công ty vẫn chưa thực hiện.

Đồng thời, qua kiểm tra đối chiếu, quan sát hiện trường tại các doanh nghiệp còn cho thấy, Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công nghiệp - Nhà máy Gạch ốp lát Việt Ý có kho chứa chất thải nguy hại chưa đảm bảo quy định.

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - Dự án Nhà máy phụ trợ TNG Sông Công (Dự án điều chỉnh) tại khu B, KCN Sông Công I chưa thực hiện đúng cam kết về môi trường.

Cụ thể là chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất, kho chứa chất thải rắn sinh hoạt, kho chứa chất thải công nghiệp và kho chứa chất thải nguy hại có diện tích không đảm bảo theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị đã đưa vào hoạt động khi chưa được phê duyệt xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Còn tại Công ty TNHH MANI Hà Nội - Nhà máy Phú Bình, kết quả kiểm tra báo cáo quan trắc định kỳ đợt I/2019 của đơn vị cho thấy, tình trạng chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cục bộ ở thời điểm quý I/2019, trong đó có chỉ số BOD5 (lượng oxy cần thiết cho vi sinh vật oxy hóa sinh học những chất hữu cơ trong 5 ngày đầu tại nhiệt độ 20 độ C) vượt 1,2 lần; chỉ số tổng nitơ trong nước thải vượt 1,8 lần.

Cùng với đó, có 4 dự án của các đơn vị khác qua đối chiếu phát hiện chưa thực hiện đúng, đầy đủ kế hoạch quan trắc, các thông số quan trắc theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, cũng như chưa nộp đầy đủ báo cáo theo quy định.

Từ những bất cập trên, KTNN kiến nghị Sở TNMT, Ban quản lý các KCN đôn đốc kịp thời, tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên xử lý vi phạm đối với việc chưa xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của 2 dự án KCN đã đi vào hoạt động; 2 dự án chậm làm hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý vi phạm và yêu cầu 4 dự án đã đi vào hoạt động khi chưa được cấp phép xả thải phải hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xin cấp phép xả thải…

Tại KCN Sông Công I, Điềm Thụy A vẫn có các hộ dân sinh sống trong vùng quy hoạch KCN. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng chậm. KTNN kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên phải chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo thực hiện các KCN theo đúng quy hoạch.

Cùng chuyên mục
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Thái Nguyên có thiếu sót trong bảo vệ môi trường