Các dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nhiều dự án kéo dài vì không đủ vốn

Qua kiểm toán công tác quản lý dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển; việc quản lý và sử dụng kinh phí đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra nhiều tồn tại trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển cũng như phê duyệt quyết toán, thiết kế dự án… làm giảm hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực công.

23_xrlh.jpg
Mô hình Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị đại học là một trong nhiều dự án chưa được
bố trí đủ vốn để triển khai xây dựng. Ảnh sưu tầm

Bố trí vốn không đáp ứng tiến độ thực hiện

Theo Báo cáo kiểm toán, tổng kế hoạch vốn mà Bộ GDĐT được bố trí trong giai đoạn 2016-2020 là 9.331 tỷ đồng, tổng giải ngân vốn là 7.453 tỷ đồng (đạt 80%), do một số dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, dẫn tới không giải ngân được vốn bố trí trong năm.

Qua kiểm toán cho thấy, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn của Bộ GDĐT chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, dẫn tới Dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Việt - Đức (dự án vốn vay ODA) năm 2020 thiếu vốn đối ứng 33 tỷ đồng; kéo dài thời gian bố trí vốn vượt quá quy định của 8 dự án (5 năm đối với dự án nhóm B, 3 năm đối với dự án nhóm C) và 4 dự án có nguy cơ cắt giảm hạng mục, nội dung đầu tư. Công tác đăng ký, phân bổ, giao kế hoạch vốn của Bộ GDĐT năm 2020 chưa chính xác, xác định nhu cầu và phân bổ cho một số dự án còn chưa có cơ sở, dẫn tới trong năm phải điều chỉnh nhiều lần.

Tại một số dự án được kiểm toán chi tiết, KTNN chỉ ra việc lập dự án đầu tư, nội dung phương án đầu tư, nguồn vốn một số dự án sơ sài, chưa thuyết minh rõ nguồn vốn thực hiện (Dự án Đầu tư xây dựng nhà học và xưởng thực hành khu F1). Việc thẩm định nguồn vốn và bố trí vốn tại nhiều dự án không đảm bảo. Điển hình như tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, dẫn tới thời gian bố trí vốn cho dự án kéo dài 6 năm, vượt 3 năm so với quy định. Đến nay, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí cho Dự án chỉ đạt 77% giá trị tổng mức đầu tư được duyệt; Dự án Đầu tư xây dựng nhà học và xưởng thực hành khu F1 bố trí vốn từ năm 2015 nhưng đến thời điểm kiểm toán đã vượt 2 năm so với quy định nhưng nguồn NSNN mới bố trí bằng 51,7% so với Quyết định phê duyệt.

Hay như tại Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị đại học tại các xã: Đông Ngạc, Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội - Trường Đại học Mỏ - Địa chất được phê duyệt từ năm 2009 nhưng đến năm 2015 mới được cấp kinh phí thực hiện. Nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 129,3 tỷ đồng, thiếu 42 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt, dẫn tới đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư đã giải ngân 103 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, vượt cơ cấu tổng mức đầu tư 14,4 tỷ đồng nhưng mới chỉ giải phóng được 8,7ha/23,6ha. KTNN đánh giá, với tổng mức phê duyệt năm 2009 và tình hình thực hiện Dự án đến thời điểm kiểm toán, Dự án không đủ kinh phí để tiếp tục thực hiện hết công tác giải phóng mặt bằng hoặc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật… Ngoài ra, cũng do bố trí nguồn vốn không đảm bảo nên 2 dự án của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương còn nợ khối lượng xây dựng cơ bản hơn 4,2 tỷ đồng.

Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ kéo dài bố trí vốn của 12 dự án do công tác giải phóng mặt bằng chậm, bố trí vốn không đảm bảo tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, thời gian xin kéo dài của một số dự án từ 2-5 năm (bằng thời gian thực hiện 1 dự án) là không hợp lý. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GDĐT đã rà soát, tổng hợp lại xin Thủ tướng kéo dài thời gian giao vốn cho 6 dự án. Trong 6 dự án còn lại có 2 dự án được kéo dài đến năm 2021; Dự án Xây dựng Trường Đại học Tây Bắc phải rà soát, điều chỉnh quy mô trước khi tiếp tục bố trí vốn; 2 dự án của Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh có 1 dự án chưa giải phóng mặt bằng xong và 1 dự án chưa có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư.

Trong khi đó, một số dự án lại được cấp nguồn vốn NSNN vượt tỷ lệ tính theo giá trị quyết toán nguồn vốn này; có dự án tổng mức đầu tư lập sai quy định làm tăng tổng mức đầu tư; công tác thiết kế các dự án còn sai sót, không phù hợp, dự toán các gói thầu xây lắp còn nhiều khối lượng thừa thiếu, quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung…

Chậm trễ trong phê duyệt, quyết toán

KTNN cũng chỉ rõ, việc lập, thẩm định, phê duyệt và báo cáo quyết toán của Bộ GDĐT còn nhiều tồn tại. Trong đó, thời gian nộp hồ sơ trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành của các chủ đầu tư đa số chậm so với quy định; cá biệt một số chủ đầu tư lập rất chậm như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Dự án Nhà đa năng) hoàn thành từ năm 2005 nhưng đến năm 2019 mới trình Bộ phê duyệt quyết toán, chậm 163 tháng; Trường Đại học Tây Bắc (Dự án Đầu tư xây dựng cụm công trình Nhà điều hành và Nhà học chung các khoa khối sư phạm) hoàn thành năm 2006 đến tháng 02/2020 mới trình Bộ, chậm 151 tháng…

Theo Báo cáo, đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2021), có 34 dự án đã hoàn thành nhưng chưa trình Bộ phê duyệt quyết toán với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án chậm nộp hồ sơ quyết toán dưới 24 tháng, 21 dự án chậm nộp hồ sơ quyết toán trên 24 tháng. Bộ GDĐT đã có nhiều công văn đôn đốc song chưa có biện pháp xử lý quyết liệt nên một số dự án đã hoàn thành từ nhiều năm nhưng vẫn chưa trình phê duyệt quyết toán. Thậm chí, tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2 còn có dự án chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ phê duyệt quyết toán quá 24 tháng nhưng vẫn được giao làm chủ đầu tư dự án mới.

Về phía Bộ GDĐT, thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán của Bộ cũng chậm so với quy định. Trong số 34 dự án Bộ phê duyệt quyết toán trong năm, có những dự án đã trình phê duyệt từ 2-3 năm Bộ mới thẩm tra phê duyệt quyết toán. Ngoài ra, đến thời điểm ngày 31/3/2021, trong các dự án đã nộp hồ sơ có 12 dự án chậm phê duyệt quyết toán dưới 24 tháng với tổng giá trị đề nghị quyết toán là hơn 1.926 tỷ đồng và 5 dự án phê duyệt quyết toán chậm quá 24 tháng với tổng giá trị đề nghị quyết toán gần 116 tỷ đồng./.

 KTNN kiến nghị Bộ GDĐT chấn chỉnh các chủ đầu tư trong việc: Lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế, tổng mức đầu tư, dự toán còn sai sót; chậm lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế phát sinh, điều chỉnh, bổ sung; sai sót trong nghiệm thu, quản lý tiến độ; việc lập và quản lý hồ sơ quản lý chất lượng; chậm lập, trình hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành; thanh toán dứt điểm khối lượng xây dựng cơ bản theo cam kết…

Cùng chuyên mục
Các dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nhiều dự án kéo dài vì không đủ vốn