Bất cập chính sách ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ

(BKTO) - Kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đường bộ giai đoạn 2019-2020, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, việc không chỉnh sửa, bổ sung kịp thời những văn bản, định mức, quy định cho phù hợp là một trong những bất cập nổi cộm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí này.

7-.jpg
KTNN đã chỉ ra những bất cập trong chính sách làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ. Ảnh sưu tầm

Có văn bản chưa được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời

Theo KTNN, ngày 13/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2020/NĐ-CP bãi bỏ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo đó, Chính phủ quyết định giải thể mô hình hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và địa phương. Từ năm 2020, việc giao dự toán kinh phí bảo trì đường bộ được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Do đó, một số nội dung tại Thông tư số 60/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ theo mô hình Quỹ Bảo trì đường bộ không còn phù hợp. Nhưng đến tháng 11/2021, Thông tư này vẫn chưa được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời cho phù hợp với Luật NSNN.

Trong giai đoạn 2019-2020, công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ được căn cứ theo Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng, bảo trì công trình xây dựng và Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán (tháng 11/2021), Nghị định số 46/2015/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định số 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Do vậy, các nội dung về bảo trì công trình đường bộ theo hướng dẫn tại Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT không còn phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ, nhưng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn chưa chỉnh sửa, bổ sung kịp thời.

Trước đó, qua kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí đường bộ giai đoạn 2017-2018, KTNN đã kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Thực hiện theo kiến nghị kiểm toán, đơn vị đã báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ đối với việc đầu tư xây mới các công trình/hạng mục phụ trợ chưa được quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Kết quả, đến ngày 26/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, thay thế cho Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Thế nhưng đến thời điểm kiểm toán, Bộ GTVT vẫn chưa ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền theo kiến nghị của KTNN tại Báo cáo kiểm toán hoạt động Quản lý, sử dụng kinh phí đường bộ giai đoạn 2017-2018 phát hành ngày 13/12/2019. Cụ thể, Bộ chưa ban hành Quy trình quản lý, bảo dưỡng và khai thác các cầu có chiều dài hơn 300m; chưa ban hành định mức các khoản chi phí khác ngoài đơn giá thay thế Văn bản số 409/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 18/01/2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bộ GTVT cũng chưa thực hiện kiến nghị của KTNN về sửa đổi, bổ sung, ban hành định mức bảo dưỡng thường xuyên đối với cầu có chiều dài hơn 300m. Do đó, một số đơn vị như: Sở GTVT Phú Thọ, Quảng Nam đang tạm thời áp dụng định mức đối với cầu có chiều dài bằng hoặc dưới 300m theo quy định tại Quyết định số 3409/QĐ-BGTVT ngày 08/9/2014 của Bộ GTVT để lập dự toán công tác bảo dưỡng thường xuyên cầu có chiều dài hơn 300m.

Song song với việc chỉ ra những bất cập chính sách đã được KTNN kiến nghị từ cuộc kiểm toán trước nhưng chưa được đơn vị khắc phục, thông qua cuộc kiểm toán này, KTNN tiếp tục chỉ ra một số định mức và quy định của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng chưa được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời.

Một số định mức và quy định chưa đồng nhất

Trong số đó, KTNN phát hiện định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ theo Quyết định số 3409/QĐ-BGTVT có 03 nội dung bất cập, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn.

Một là, cần xem xét hủy bỏ mã định mức “QLD.10200 đếm xe bằng thủ công” do không còn chính xác so với đếm xe bằng máy; sửa đổi mã hiệu “QLD.10100 tuần đường” để phù hợp với Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Do định mức đang tính là 265 ngày/năm nhưng nếu tính theo Thông tư này thì số ngày chỉ là 274 ngày/năm.

Hai là, điều chỉnh giảm định mức cắt cỏ 6 lần/năm cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tiết kiệm nguồn vốn kinh phí bảo trì do NSNN cấp còn thiếu so với mức tính đủ. Đồng thời bổ sung những mã hiệu BDD.21400, BDD.21500, BDD.21600, BDD.21800, BDD.21900 khối lượng tính cho đường cấp III (phần mặt đường dành cho xe cơ giới rộng 7m). Bởi hiện nay, phần lớn các đường quốc lộ có chiều rộng mặt đường hơn 7m, trong khi định mức hiện hành chỉ có hệ số dành cho mặt đường xe cơ giới rộng 7m, nên việc tính toán hệ số điều chỉnh đang theo phương pháp nội suy, ngoại suy. Vì vậy, cần phải bổ sung bảng hệ số điều chỉnh theo bề rộng mặt đường cho phù hợp với thực tế.

Ba là, quy định hiện hành chưa có định mức về nạo vét, sửa chữa rãnh đỉnh, bậc nước và trên thực tế có đơn vị phải thực hiện nội dung này. Vì vậy, Bộ GTVT cần xem xét để sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập nêu trên.

Cùng với đó, theo phát hiện của KTNN, Thông tư số 10/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng chưa có định mức vận chuyển vật liệu bằng ô tô tự đổ, ô tô vận tải thùng, cự ly vận chuyển hơn 60km dẫn tới Sở GTVT Hà Giang áp dụng theo cước vận chuyển của tỉnh đã ban hành từ năm 2017 - không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BXD thay thế Thông tư số 10/2019/TT-BXD nhưng vẫn chưa bổ sung định mức này.

Việc thiếu các quy định cụ thể tiếp tục được KTNN chỉ ra trong Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT về khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 2. Trong đó, hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư này chưa có quy định về các hạng mục công việc cụ thể, dẫn đến các thủ tục đầu tư bảo đảm giao thông bước 2 chưa được tiến hành theo đúng trình tự quy định hiện hành.

Vì thế, Cục Quản lý đường bộ I khi thực hiện hoàn trả kết cấu hạ tầng và có sử dụng vật liệu thuộc phạm vi khắc phục hậu quả bão lũ, bảo đảm giao thông bước 2 phải thực hiện các thủ tục đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục hiện hành (phê duyệt dự án, dự toán, đấu thầu…). Tuy nhiên, KTNN phát hiện có các hạng mục thuộc phạm vi khắc phục hậu quả bão lũ, bảo đảm giao thông bước 2, Cục lại thực hiện cùng với các công trình khắc phục hậu quả bão lũ, đảm bảo giao thông bước 1 (chỉ định thầu) với tổng số 46 công trình tương ứng số tiền 32,04 tỷ đồng.

Tương tự, Sở GTVT Thanh Hóa khi thực hiện 99 dự án khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đều theo hình thức chỉ định thầu, ký hợp đồng để thực hiện với tổng số tiền 167,33 tỷ đồng và theo báo cáo của đơn vị không có phát sinh khắc phục hậu quả thiên tai bước 2.

Trước những bất cập về định mức, quy định này, KTNN yêu cầu các cơ quan cần khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn thực hiện./.

KTNN kiến nghị Bộ GTVT cần sửa đổi khoản 2 Điều 12 Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT, quy định rõ phạm vi các phần việc thực hiện trong khắc phục hậu quả bão lũ bước 1 hoặc bổ sung thêm hướng dẫn các phần việc khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 để phân loại rõ khi áp dụng, tránh việc áp dụng toàn bộ khắc phục hậu quả bão lũ theo bước 1 để thực hiện chỉ định thầu.

Cùng chuyên mục
Bất cập chính sách ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ