Bất cập trong quản lý vốn và thực hiện dự án đô thị xanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế

(BKTO) - Dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp và số phải hủy dự toán rất lớn là những bất cập nổi cộm được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra khi thực hiện kiểm toán Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), vay vốn ADB đối với Dự án thành phần tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

hue.jpg
Thừa Thiên Huế là địa phương được thực hiện Dự án thành phần của Chương trình phát triển các đô thị loại II. Ảnh: TS

Kiến nghị xử lý số tiền gần 3,2 tỷ đồng

Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)” vay vốn ADB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 392/QĐ-TTg ngày 10/3/2016 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 03 cơ quan chủ quản được giao thực hiện Dự án thành phần.

Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục dự án được tài trợ vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, giao kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2021 và 2021-2025, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Dự án thành phần, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) làm Chủ đầu tư.

Dự án được phê duyệt với mục tiêu, nội dung các hợp phần, thực hiện Hiệp định vay vốn và Hiệp định tài trợ cơ bản đảm bảo trình tự và thủ tục hiện hành. Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II phải giảm trừ khi thanh toán số tiền 423,4 triệu đồng và kiến nghị xử lý khác 2,766 tỷ đồng.

Đáng chú ý hơn, KTNN kết luận, Dự án đều chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Tuy số vốn bố trí cho các Dự án bị thiếu nhưng trong quá trình thực hiện, tỷ lệ giải ngân đạt thấp và phải hủy dự toán rất lớn.

Cụ thể, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho Dự án thiếu 612.068 triệu đồng vốn ODA và thiếu 25.648 triệu đồng vốn đối ứng so với tổng mức đầu tư được duyệt tại Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy số vốn bố trí cho Dự án bị thiếu nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng của địa phương lại bộc lộ nhiều bất cập. KTNN đánh giá, việc sử dụng vốn của Dự án tại tỉnh Thừa Thiên Huế chưa hiệu quả khi dự toán không sử dụng hết phải hủy là 460.304 triệu đồng (vốn đối ứng bị hủy 18.704 triệu đồng, vốn ODA bị hủy 441.599 triệu đồng). Tổng số giải ngân từ khi triển khai đến hết ngày 30/6/2022 là 359.070 triệu đồng, chỉ đạt 29,7% trên tổng số vốn được giao.

Đánh giá về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán và Hiệp định vay vốn, viện trợ, KTNN cho biết, đơn vị thực hiện Dự án chưa ghi giảm nguồn vốn ODA (vốn vay) số tiền 715 triệu đồng. Trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II của tỉnh Thừa Thiên Huế - KTNN nêu rõ.

Nhiều gói thầu chậm tiến độ ảnh hưởng đến toàn Dự án

Trong quá trình thực hiện, Chủ đầu tư đã thuê đơn vị kiểm toán hàng năm và thuê tư vấn giám sát theo điều khoản của Hiệp định vay vốn. Tư vấn giám sát đã báo cáo hàng tháng về tình hình và tiến độ thi công của các gói thầu, trong đó chỉ ra những vướng mắc, đề xuất chủ đầu tư, cơ quan chủ quản những điều chỉnh cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, tiến độ thực hiện Dự án rất chậm.

hue-2.jpg
Nhiều gói thầu của Dự án thành phần tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị chậm tiến độ. Ảnh: TS

Dự án thành phần tại tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 10 gói thầu xây lắp. Đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu của tất cả 10 gói thầu, trong đó có 1 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, còn 9 gói thầu đang triển khai thi công.

KTNN xác nhận, khối lượng thực hiện được là 127/1.018 tỷ đồng, đạt 12,5% giá trị hợp đồng; giá trị giải ngân đạt 254/1.018 tỷ đồng (bằng 25% giá trị hợp đồng). Tuy nhiên, theo đánh giá của Tư vấn giám sát, tiến độ thi công các gói thầu thuộc Dự án đến 30/6/2022 tiếp tục chậm so với kế hoạch đăng ký.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ của toàn Dự án do khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các gói thầu HU-CW02 và HU-W07; do việc điều chỉnh thiết kế ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công gói thầu HU-CW03, HU-CW04, HU-CW05 và do năng lực điều hành, tổ chức thi công của một số nhà thầu. Thêm nữa là do giá vật liệu xây dựng, giá xăng dầu tăng đột biến làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của tất cả các gói thầu.

Đến thời điểm tháng 6/2022, tiến độ một số gói thầu không đảm bảo theo kế hoạch đã cam kết. Tuy nhiên, các bên chưa xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định. Cụ thể, giá trị thực hiện gói thầu HU-CW03 và HU-CW07 lũy kế đến 30/6/2022 lần lượt đạt khoảng 26% và 18% giá trị hợp đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra là 73% và 39%.

Cùng với đó, theo tiến độ trong Hợp đồng, Phụ lục hợp đồng thì gói thầu HU-CW03 và HU-CW05 hoàn thành vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 6/2022, gói thầu HU-CW04 mới hoàn thành giá trị khối lượng công việc được 32/101 tỷ đồng giá trị hợp đồng, tương ứng khoảng 32% khối lượng. Tương tự, gói thầu HU-CW05 mới hoàn thành giá trị khối lượng công việc được 41/141 tỷ đồng giá trị hợp đồng, tương ứng khoảng 30% khối lượng./.

Cùng chuyên mục
Bất cập trong quản lý vốn và thực hiện dự án đô thị xanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế