Bác Hồ từng nói “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Quả thực, dẫu có nói hay đến mấy mà không hành động, không biến những ý tưởng của cá nhân, của tập thể trở thành thực tế thì đó chỉ là một sự sáo rỗng.
Với Vụ Hợp tác quốc tế, về nguồn, từ thiện luôn được các cấp lãnh đạo, Công đoàn Vụ coi đó là một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, trở thành truyền thống, nét văn hóa tốt đẹp từ rất nhiều năm nay.
“Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”… là những câu ca dao, tục ngữ đã cùng chúng ta lớn lên theo năm tháng, hun đúc nên những tiêu chuẩn, giá trị sống đích thực.
Trong cuộc sống, nhiều người có đủ đầy hạnh phúc, niềm vui nhưng cũng không ít người phải vật lộn mưu sinh vất vả, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, sự quan tâm, sẻ chia một cách thực chất, chân tình luôn là việc làm cần thiết. Điều đó sẽ giúp cuộc sống của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. Người cho đi sẽ cảm thấy hạnh phúc, người nhận về sẽ cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều.
Với niềm tin sâu sắc đó, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị để bày tỏ lòng biết ơn những người đã có công với cách mạng và sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ở nơi đó, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nghị lực phi thường của 2 thương binh đặc biệt nặng không có gia đình, 13 người già khuyết tật, không nơi nương tựa và 29 trẻ em khuyết tật, mồ côi cha mẹ.
Chúng tôi đã rất xúc động trao cho họ những vật phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống thường ngày như cặp, sách vở, quần áo, giày dép, chăn, quạt, cây nước nóng lạnh, sữa tươi, bánh kẹo và tiền mặt... Những món quà tuy nhỏ nhưng tình nghĩa đong đầy. Giây phút trao quà tặng, tôi đã thấy những đôi mắt đỏ hoe, xúc động trước sự chân thành và những tình cảm mà chúng tôi dành cho họ.
Chia tay Trung tâm, Đoàn về nguồn đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.
Xe ô tô chở Đoàn chúng tôi qua những con đường hầm hập gió Lào, trong những giai điệu “Cỏ non thành cổ”, “Màu hoa đỏ”, “Bài ca không quên”, “Vết chân tròn trên cát”, “Huyền thoại mẹ”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Tình ca”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Người chiến sĩ ấy”… “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, “Người mẹ nào, người vợ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về” - những lời ca ấy vang lên thật da diết, hào hùng, xúc động!
Đã có quá nhiều sự mất mát, hy sinh của các thế hệ đi trước để chúng ta có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một bầu trời hòa bình như ngày hôm nay. Bởi vậy, “sự biết ơn” - đó chính là những gì mà chúng tôi mang nặng trong tim khi đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.
Kính cẩn cúi đầu trước vong linh của các liệt sĩ, trước những nấm mộ chưa được đặt tên, sống mũi chúng tôi lại thấy cay cay, không kìm được những giọt nước mắt.
Chúng tôi hiểu rằng mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc, những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Những ngày cuối tháng Bảy tại miền đất lửa Quảng Trị đã để lại trong lòng chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Tình cảm mà công chức, người lao động Vụ Hợp tác quốc tế chúng tôi gửi lại nơi đây góp phần vun đắp thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc ta. Hành trình về nguồn giàu ý nghĩa này giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, cùng nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hy vọng một ngày không xa, chúng tôi sẽ quay trở lại nơi đây để được chứng kiến sự trường tồn và phát triển của một “Vùng đất thiêng”, “Vùng đất lửa anh hùng”, “Quảng Trị yêu thương, máu và hoa”, để thấy được trong sỏi đá, hoa vẫn nở, vẫn vươn mình trước nắng gió!./.