BHXH Lào Cai: Quyết tâm vượt khó, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao

(BKTO) - Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho cho người dân trên địa bàn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, BHXH tỉnh Lào Cai đã có nhiều nỗ lực, đột phá để nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, thời gian tới, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi BHXH tỉnh phải nỗ lực, tăng tốc hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.



                
   

Diễu hành, tuyên truyền lưu động về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại thị xã Sa Pa ngày 13/11/2021 - Ảnh: P. Tuân

   

Nhiều kết quả tích cực

Theo BHXH tỉnh Lào Cai, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch dịch Covid-19 nhưng công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh luôn được tổ chức triển khai hiệu quả. Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Tính đến hết tháng 10/2021 toàn tỉnh có 65.486 người tham gia BHXH, chiếm 14,61% lực lượng lao động, đạt 72,5% kế hoạch của UBND tỉnh giao. Trong đó, có 58.066 người tham gia BHXH bắt buộc; 7.420 người tham gia BHXH tự nguyện; 49.708 người tham gia BHTN; 637.887 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 84,1% (giảm 14,9% so với năm 2020).

Song song với đó, công tác chi trả chế độ BHXH, BHYT luôn giải quyết kịp thời, BHXH tỉnh đã thực hiện giải quyết chế độ BHXH hàng tháng cho 567 người; trợ cấp 1 lần cho 1.962 người; 15.799 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; 1.644 lượt người hưởng BHTN. Tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH, BHTN là 1.185,9 tỷ đồng. Ngoài ra, BHXH tỉnh Lào Cai đã thực hiện giám định 678.843 lượt khám, chữa bệnh BHYT với số tiền là 493,7 tỷ đồng, chiếm 82,95% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển mới BHXH bắt buộc, phát triển và duy trì BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, số người tham gia BHXH bắt buộc, tham gia BHYT có xu hướng giảm; riêng BHYT, đến hết tháng 10, vẫn còn 76.057 người dân (trong đó có 70.332 người dân tộc thiểu số) chưa tham gia BHYT hộ gia đình. Cùng với đó, nợ BHXH, BHYT có dấu hiệu tăng, năm 2019 là 50 tỷ đồng, năm 2020 là 57 tỷ đồng, 9 tháng năm 2021 là 85,3 tỷ đồng.

Theo BHXH tỉnh Lào Cai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là DN, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xuất-nhập khẩu. Với BHYT, nguyên nhân giảm chủ yếu do thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người tham gia

Để đảm bảo các mục tiêu đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Đường Minh Tấn cho biết, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường công tác phối hợp các cơ quan, ban ngành, cơ quan thuế để tuyên truyền, đôn đốc công tác thu.

Đồng thời, đối chiếu rà soát các đơn vị, DN đảm bảo người lao động được đóng BHXH, tránh trường hợp trốn đóng, nhằm phát triển người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Tiếp tục mở rộng, đào tạo hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách về BHXH, BHYT với nhiều hình thức, chú trọng hình thức tuyên truyền, vận động trực tiếp đến từng người dân, từng hộ gia đình.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Lào Cai (Ban Chỉ đạo), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Giàng Thị Dung khẳng định: Nhiệm vụ quan trọng để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT là cần phải tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền để nhân dân hiểu và tự nguyện tham gia BHXH. Đồng thời, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, mặt trận tổ quốc các cấp, mạng xã hội trong công tác vận động nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động nhân dân trong thực hiện công tác khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng chí Giàng Thị Dung cũng yêu cầu, trong thời gian tới, BHXH tỉnh cần chủ động triển khai các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về thu, phát triển người tham gia, giảm nợ, giải quyết chi trả các chế độ BHXH, BHYT kịp thời cho người tham gia, trong đó có chi hỗ trợ người lao động từ quỹ BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Mặt khác, nghiên cứu xây dựng và triển khai các công cụ phần mềm hỗ trợ Ban chỉ đạo BHXH, BHYT cấp xã, huyện trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển BHXH, BHYT hàng năm và giai đoạn 2021-2025.
         
Năm 2022, BHXH tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu, phấn đấu phát triển 70.699 người tham gia BHXH, trong đó 59.111 người tham gia BHXH bắt buộc, 11.588 người tham gia BHXH tự nguyện, 50.677 người người tham gia BHTN, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88% dân số.
BẢO TRÂN
Cùng chuyên mục
BHXH Lào Cai: Quyết tâm vượt khó, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao