BHXH Thành phố Hà Nội - Trách nhiệm, hiệu quả, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

(BKTO) - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2022, số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 38,161 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 71,5% kế hoạch. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,1% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang).

1.png
Đại diện các doanh nghiệp tại Hà Nội nhận bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: hanoi.gov.vn

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 68% tổng số tiền nợ bảo hiểm

Vừa qua, TP. Hà Nội có 14/87 doanh nghiệp (tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc) được BHXH Việt Nam vinh danh trong thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN giai đoạn 2017-2021. Những doanh nghiệp này không chỉ là những đơn vị có bề dày thành tích trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, mà còn có kết quả sản xuất kinh doanh tiêu biểu, chấp hành tốt các nghĩa vụ với Nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh.

Điều này cho thấy sự ghi nhận, biểu dương, động viên, khích lệ của ngành BHXH Việt Nam đối với các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, Hà Nội cũng đang có 78.853 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 940.859 lao động, tính đến thời điểm 30/9. Số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi hơn 1.813 tỷ đồng, tăng 205,8 tỷ đồng so với tháng 12/2021.

Trong đó, số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn, nợ 1.374 tỷ đồng, chiếm 68% tổng số tiền nợ. Ngoài ra, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… là rất khó khăn. Thành phố có hơn 12.471 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền nợ bảo hiểm hơn 1.429 tỷ đồng.

2.png
Tuyên truyền lưu động về các chính sách bảo hiểm trên nhiều tuyến đường, phố Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN do BHXH Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 27/10, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc nợ, chậm đóng bảo hiểm do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến giảm sâu doanh thu hoặc thua lỗ, nên không đủ khả năng tài chính. Một số đơn vị, doanh nghiệp tuy không thua lỗ, nhưng do chưa thu được nợ từ phía đối tác nên tạm thời khan hiếm dòng tiền vận hành bộ máy, trong đó có việc chi lương, đóng BHXH cho người lao động.

Ngoài những yếu tố khách quan, việc nợ đóng, chậm đóng BHXH còn có phần xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do người sử dụng lao động cố tình nợ đóng hoặc đóng không đúng thời gian, không đủ số lượng lao động đang làm việc thực tế tại doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp coi việc nợ BHXH là một trong những giải pháp để doanh nghiệp có thể tồn tại...

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân

Có thể thấy rằng, doanh nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ BHXH Thành phố Hà Nội, các cán bộ phụ trách các cơ quan BHXH luôn giải thích và có hướng dẫn rõ ràng, rành mạch về các thủ tục, hồ sơ, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kết nối với cơ quan BHXH để giải quyết các nghiệp vụ và giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động nhanh chóng, chủ động thời gian và giảm thiểu chi phí đi lại do địa bàn của đơn vị rất xa cơ quan BHXH, đồng thời cũng giảm thiểu được chi phí in hồ sơ giấy nộp như trước đây. Ngoài ra, việc chuyển đổi số giúp người lao động chủ động về việc sử dụng thẻ BHYT điện tử khi đi khám/chữa bệnh, đồng thời có thể theo dõi được quá trình đóng BHXH của bản thân trên hệ thống VSSID, chủ động tra cứu các thông tin về BHXH.

Với phương châm hành động trách nhiệm, hiệu quả, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, từng cán bộ, viên chức của BHXH Thành phố luôn nỗ lực, tận tâm phục vụ, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động. Hằng năm, BHXH Thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách thủ tục tham gia và giải quyết, thanh toán chế độ BHXH, BHTN nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Đến nay, Hà Nội có 99,8% đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Những đơn vị chưa thực hiện giao dịch điện tử đã thực hiện giao dịch qua dịch vụ Bưu chính (chi phí do cơ quan BHXH chi trả), chủ yếu là các đơn vị sử dụng lao động có số lượng lao động dưới 10 người. BHXH Thành phố đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Bên cạnh đó, BHXH Thành phố Hà Nội cũng tăng cường tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động, thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với đơn vị sử dụng lao động, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại các cuộc đối thoại, lãnh đạo BHXH Thành phố đã lắng nghe, trả lời thấu đáo các thắc mắc của đơn vị sử dụng lao động. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH thành phố, lãnh đạo BHXH TP chỉ đạo BHXH quận, huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ làm việc trực tiếp với DN để giải quyết triệt để.

Có thể thấy, với sự đồng hành, hỗ trợ của BHXH Thành phố Hà Nội và sự tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, người lao động trên địa bàn Thủ đô sẽ được chăm lo an sinh, yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

Cùng chuyên mục
BHXH Thành phố Hà Nội - Trách nhiệm, hiệu quả, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp