BIDV: Ứng dụng điện toán đám mây để phát triển kinh doanh

(BKTO) - Ứng dụng điện toán đám mây là cơ sở vững chắc để Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thúc đẩy, hỗ trợ kinh doanh và đưa Ngân hàng đạt đến mục tiêu là định chế tài chính hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

dien-toan-dam-may.jpg
BIDV xác định định hướng, mục tiêu triển khai các năng lực CNTT lên môi trường điện toán đám mây theo từng giai đoạn cụ thể. Ảnh minh họa

Tạo cơ sở pháp lý để cho việc triển khai điện toán đám mây

Điện toán đám mây (cloud computing) đã xuất hiện khoảng 20 năm, nhưng mới thực sự bùng nổ trong khoảng 5 năm trở lại đây và đang trở thành xu hướng. Đây là dịch vụ cung cấp tài nguyên công nghệ thông tin (CNTT) qua môi trường mạng, cho phép nhiều đối tượng sử dụng, có thể điều chỉnh và thanh toán chi phí theo nhu cầu sử dụng. Dịch vụ này giúp các doanh nghiệp dễ dàng mở rộng quy mô hệ thống CNTT, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh.

Việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đã rất phổ biến với các ngân hàng lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số.

Chiến lược phát triển CNTT ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 100%. Để triển khai Chiến lược này, tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng, cấp độ 3, 4, 5 lên Cloud nếu đảm bảo những quy định an toàn.

Trong bối cảnh đó, BIDV đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh doanh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Nghị quyết xác định công nghệ và ngân hàng số là 1 trong 3 trụ cột phát triển. BIDV đã xây dựng Chiến lược phát triển CNTT đi kèm Chương trình hành động để hiện thực hóa mục tiêu trong Chiến lược kinh doanh.

Trong đó, BIDV xác định định hướng, mục tiêu triển khai các năng lực CNTT lên môi trường điện toán đám mây theo từng giai đoạn cụ thể và xác định mô hình triển khai tổng thể trên Cloud tại BIDV.

BIDV cũng đã ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn triển khai Cloud như: Quy định về quản lý và sử dụng điện toán đám mây; văn bản hướng dẫn thực hiện đánh giá, rà soát với các nội dung triển khai áp dụng điện toán đám mây ngay từ giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư cho đến khi triển khai hệ thống; đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông, đào tạo kiến thức về lĩnh vực này cho hàng nghìn lượt cán bộ.

Hiệu quả từ việc triển khai ứng dụng điện toán đám mây

Với các quy định, văn bản hướng dẫn đã được ban hành, các sáng kiến về điện toán đám mây trong Chương trình hành động Chiến lược phát triển CNTT của BIDV được tổ chức triển khai một cách bài bản. BIDV triển khai một số cấu phần, hệ thống trên Cloud và phối hợp với các hãng công nghệ hàng đầu về lĩnh vực này triển khai thí điểm thành công một số bài toán cụ thể. Các đơn vị trong Khối CNTT và Ngân hàng số của BIDV cũng đang nghiên cứu để triển khai các sáng kiến, dự án lớn làm nền tảng triển khai các dự án nghiệp vụ.

Các ứng dụng xây dựng mới/nâng cấp lớn được thực hiện theo định hướng kiến trúc tổng thể của BIDV, phát triển theo kiến trúc microservice, đóng gói được trên các nền tảng containter, để sẵn sàng triển khai trên Cloud.

bidv.jpg
Việc ứng dụng điện toán đám mây mang lại những hiệu quả nhất định trong hoạt động của BIDV. Ảnh ST

Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy việc triển khai ứng dụng trên Cloud đạt được hiệu quả như: tăng hiệu suất hoạt động của hệ thống ứng dụng, việc triển khai vận hành ứng dụng tương đối nhanh, linh hoạt, tận dụng các dịch vụ tiên tiến của Cloud mang lại (như AI/ML, tự động co giãn hạ tầng…).

Tuy nhiên, ứng dụng điện toán đám mây cũng có thể làm cho chi phí hạ tầng tăng lên, hoặc sẽ kém hiệu quả nếu như đội ngũ vận hành hệ thống hạ tầng không có đủ năng lực giám sát, quản lý hiệu năng của hệ thống… Do đó, BIDV cần làm tốt công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ và lập kế hoạch ứng dụng điện toán đám mây phù hợp.

BIDV đặt mục tiêu định hướng Cloud góp phần vào thành công của Chiến lược CNTT, Chiến lược Chuyển đổi số nói riêng và Chiến lược kinh doanh nói chung. Đây là cơ sở vững chắc để thúc đẩy, hỗ trợ kinh doanh và đưa BIDV đạt đến mục tiêu là định chế tài chính hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á./.

Cùng chuyên mục
BIDV: Ứng dụng điện toán đám mây để phát triển kinh doanh