Xây dựng bản sắc văn hóa doanh nghiệp
Tại Lễ tổng kết dự án chuyển đổi hệ thống Core Banking Profile, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú khẳng định: “Nội lực - văn hóa BIDV thấm đẫm trong mỗi người cán bộ và ngoại lực - những “đối tác tuyệt vời” đã giúp BIDV vượt qua mọi trở ngại, hoàn thành “một khối lượng công nghệ khủng khiếp” trong một thời gian hạn hẹp, không gian chật hẹp và những nghịch cảnh, khó khăn…”.
Gần 1/4 thế kỷ trước, từ những năm 2000, BIDV đã triển khai Đề án xây dựng và phát huy VHDN. Theo đó, BIDV đã tổng kết, đúc rút bản sắc văn hóa của doanh nghiệp với một số đặc trưng như: Đồng lòng nhất trí, có niềm tin mạnh mẽ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bài bản và thận trọng; đoàn kết trên dưới một lòng; trung thành, gắn bó, thân thiện.
Trên cơ sở Đề án này, BIDV đã xây dựng Bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử với mục đích bảo đảm môi trường hoạt động thân thiện, minh bạch, đồng thời góp phần chỉ dẫn, điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cán bộ nhằm bảo đảm lợi ích và sự phát triển bền vững của Ngân hàng.
Trong giai đoạn phát triển mới, ngày 11/01/2021, Hội đồng quản trị BIDV đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-BIDV phê duyệt Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 22), trong đó xác định “Nguồn nhân lực và Văn hóa doanh nghiệp” là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính. Theo đó, BIDV tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ năng lực, có phẩm chất, hướng đến mục tiêu chung; phát huy các giá trị truyền thống, thực hành VHDN là động lực hoạt động của hệ thống.
Cũng theo Nghị quyết 22, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao và phát triển VHDN là 1 trong 6 mục tiêu ưu tiên giai đoạn 2021 - 2025. Để đồng bộ các giá trị nội tại phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới, năm 2021, BIDV tiếp tục triển khai chuẩn hóa VHDN.
BIDV đã thực hiện hơn 50 cuộc phỏng vấn trực tiếp với lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung… và khảo sát qua bảng hỏi với hơn 5.000 mẫu để đánh giá, đo lường, xác định hiện trạng VHDN.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Văn hóa BIDV có nhiều đặc trưng của “văn hoá gia đình”, “văn hóa hợp tác” và là “một gia đình lớn có nếp nhà tốt”: Có truyền thống gắn kết, nghĩa tình, tương thân tương ái; Bầu không khí ôn hòa, đồng thuận, dựa trên “sự bảo ban nhau” và tôn ti trật tự ở mức phù hợp; người trên “làm gương” và người dưới noi theo, tôn trọng “nếp nhà” để giữ kỷ cương chung. Trong những giá trị đó, “tính nghĩa tình/nhân văn” hay văn hóa gia đình là những điều làm cán bộ nhân viên nhớ nhất, tự hào nhất, ấn tượng nhất và muốn gắn bó nhất với BIDV.
5 giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp BIDV
Từ kết quả nghiên cứu, trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, căn cứ chiến lược phát triển của BIDV và mong muốn của người lao động, ngày 15/7/2022, Liên tịch Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc BIDV đã ban hành Nghị quyết số 636/NQLT-ĐUHĐQT-TGĐ phê duyệt nội dung Sổ tay văn hóa BIDV.
Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị BIDV ban hành Quyết định số 666/QĐ-BIDV về việc ban hành Sổ tay văn hóa BIDV với 5 giá trị cốt lõi: Trí tuệ - Niềm tin - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Khát vọng, được thể hiện qua cụm từ “iBIDV”.
iBIDV được thể hiện như một con người đầy trí tuệ, luôn sẵn sàng đón nhận tri thức mới, giữ vững chữ tín, niềm tin, luôn coi trọng danh dự, hành động trung thực, chuyên nghiệp, mang trong mình những hoài bão, khát vọng. Các giá trị văn hóa iBIDV cũng là sự kế thừa và phát triển ở tầm cao hơn truyền thống nhân văn nghĩa tình của BIDV, tiếp tục là niềm tự hào và là sợi dây gắn kết các thế hệ cán bộ trong hệ thống để cùng thực hiện mục tiêu chiến lược chung của hệ thống.
Bên cạnh 5 giá trị cốt lõi, Sổ tay văn hóa còn quy định 5 Quy chuẩn đạo đức, 9 Quy tắc ứng xử và 18 điều lưu ý trong giao tiếp và thực hiện nhiệm vụ. Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu về nội dung Sổ tay văn hóa BIDV và chủ trương chuyển đổi nhận diện thương hiệu, Đảng ủy BIDV đã ban hành Chỉ thị số 202/CT-ĐU ngày 12/5/2023 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo đối với công tác chuyển đổi nhận diện thương hiệu và thực hành VHDN BIDV”.
Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 202/CT-ĐU, BIDV đã tổ chức triển khai đào tạo trực tuyến (e-learning) về Sổ tay văn hóa BIDV với sự tham gia của 4.500 cán bộ; tổ chức 2 khóa đào đạo trực tiếp về VHDN với sự tham gia của 170 học viên từ 57 chi nhánh và nhiều hoạt động tìm hiểu về VHDN thông qua cuộc thi “Rung chuông Vàng”, hội thảo VHDN, văn hóa giao tiếp ứng xử…
Theo Brand Finance, năm 2023, chỉ số giá trị thương hiệu BIDV đã có bước tăng trưởng đột phá, nhanh nhất Việt Nam với mức tăng trên 69% so với năm 2022. Để đạt được mục tiêu phát triển thương hiệu theo Chiến lược cấu phần về thương hiệu đã được Hội đồng quản trị phê duyệt (đến 2025, chỉ số nhận biết thương hiệu và giá trị thương hiệu đạt Top 3, chỉ số sức mạnh thương hiệu đạt Top 2), việc thực hành Sổ tay văn hóa BIDV chính là một giải pháp lớn, mang tính căn cơ.
Trong thời gian tới, các đơn vị trong hệ thống BIDV tiếp tục quan tâm đẩy mạnh triển khai việc thực hành Sổ tay VHDN một cách tích cực, chủ động, sáng tạo. Đây không chỉ góp phần làm giàu VHDN BIDV mà còn là việc làm thiết thực để xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh, chất lượng, gắn kết, là lực hấp dẫn để BIDV thu hút khách hàng, đối tác và ngày càng phát triển./.