Bình Định chủ động xã hội hóa, huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp sân bay Phù Cát

(BKTO) - Chiều 5/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

thu-tuong-cp-02.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Chính phủ

Theo báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tỉnh đạt và vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu chủ yếu; GRDP ước tăng 8,57% (cao nhất từ trước tới nay); GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70,7 triệu đồng, tăng 11,59%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,05%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hơn 94,9 nghìn tỷ đồng (tăng 19,2%). Thu ngân sách trên 15,6 nghìn tỷ (tăng 7,5%). Xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD (tăng 16,3%), xuất siêu hơn 1,08 tỷ USD. Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển hơn 46,9 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 90,97% kế hoạch…

Tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan tới đầu tư các công trình hạ tầng giao thông; cho phép triển khai các dự án lớn như dự án điện gió ngoài khơi với tổng mức đầu tư 4,6 tỷ USD, dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn với tổng vốn đăng ký hơn 56.000 tỷ đồng; nâng cấp dung tích chứa nước hồ Định Bình…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và những kết quả, thành tựu mà tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng cơ bản đồng ý các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, đồng thời lưu ý một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế, thách thức; sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh và tổ chức, quản lý tốt các quy hoạch bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành kinh tế biển; phát triển nông nghiệp là trụ đỡ.

Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo không gian và nguồn lực cho phát triển.

Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển... Xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, trọng tâm nuôi trồng.

Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh (vận tải biển, logistics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...). Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ.

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn vốn vay… Đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, đặc biệt là sân bay, đường cao tốc… Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, chiến lược làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị tốt đẹp của người Bình Định…

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành đã trả lời các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Đồng ý về chủ trương với các nội dung này, Thủ tướng giao các Bộ, ngành khẩn trương xử lý, giải quyết, hướng dẫn các địa phương triển khai các thủ tục theo thẩm quyền và đúng quy định, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tinh thần là "có đầu ra" cho các vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động xây dựng đề án xã hội hóa, huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp sân bay Phù Cát. Bình Định cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị, lập dự án, triển khai dự án tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó làm, theo hình thức hợp tác công tư, dưới sự quản lý, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, kết nối 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định, kết nối Tây Nguyên và Duyên hải Trung Bộ, kết nối với các tuyến cao tốc dọc (đường cao tốc Bắc - Nam), tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng giao các Bộ cân đối để hỗ trợ ngân sách đầu tư tuyến đường huyết mạch từ Quốc lộ 19 đến khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn; đồng ý chủ trương vay vốn ODA để sớm hoàn thành 38 km còn lại của tuyến đường ven biển.../.

Cùng chuyên mục
Bình Định chủ động xã hội hóa, huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp sân bay Phù Cát