Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã giảm 8 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2023, nâng tổng số giảm lên 160 đơn vị (tương ứng tỷ lệ giảm 18,33% số đơn vị so với năm 2015; giảm 7,53% số đơn vị so với năm 2021).
Bên cạnh đó, Bình Định đã hoàn thành việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của 22/22 sở, ban, 11/11 Ủy ban nhân dân cấp huyện và 720/720 đơn vị sự nghiệp công lập; đã phê duyệt 2.611 vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính và 7.441 vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai hiệu quả “Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh”, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Bình Định.
Hiện tỉnh đang cung cấp 1.089 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỷ lệ 58,3%), cung cấp 655 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt tỷ lệ 35,06%). Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đúng hẹn của tỉnh đến tháng 9/2024 đạt 99,9%.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Bình Định đang xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành (sau tỉnh Cà Mau) về “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết thủ tục hành chính” năm 2024, với một số kết quả được công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia như: Hồ sơ nộp trực tuyến đạt 85,5% (bình quân cả nước đạt 54,2%); Thanh toán trực tuyến đạt 79,72% (bình quân cả nước đạt 42,91%); Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 88,93% (bình quân cả nước đạt 65,07%); Khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 36,6% (bình quân cả nước đạt 12,91%) và Tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 83,92 (bình quân cả nước đạt 66,93%).
Cùng với đó, Bình Định đã bắt đầu triển khai ứng dụng AI trong công tác hỗ trợ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nâng cao năng lực hoạt động, năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã hoàn thành xong việc xây dựng, đưa vào vận hành một số nền tảng quan trọng như: Hệ thống thông tin nguồn (quản lý Đài truyền thanh cơ sở), Hệ thống quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội, Kho dữ liệu số cấp tỉnh…
Để công tác cải cách hành chính từng bước có sự chuyển biến theo hướng thực chất, bền vững, trong thời gian tới, từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung rà soát, tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số PCI, PII theo các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đồng thời, xác định việc xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu chuyên ngành là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng Kho dữ liệu số của tỉnh. Khẩn trương đưa các hệ thống thông tin vào hoạt động gồm: Trợ lý ảo, Hệ thống thông tin nguồn, Hệ thống quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội, Hệ thống quản lý thông tin báo chí và Kho dữ liệu số giai đoạn 1 của tỉnh./.