Bình Định: Tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn

(BKTO) - Mặc dù tỉnh Bình Định đã nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành chống khai thác IUU. Tuy nhiên, địa phương này vẫn chưa thể chấm dứt hẳn tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ; chưa giải quyết dứt điểm việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản...

binh-dinh.jpg
Bình Định cần tăng cường công tác thực thi pháp luật ngăn chặn khai thác IUU. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Bình Định đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU.

Tính đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh Bình Định có 5.311 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký, trong đó hơn 5.000 tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản, chiếm 94,2% (tăng thêm 3,91% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng thêm 10,2% so với thời điểm đầu năm 2023). 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia hoạt động khai thác hải sản được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Qua rà soát, hiện có 455 tàu cá của tỉnh Bình Định thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hằng năm không về địa phương; tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn.

Từ năm 2023 đến nay, Bình Định có 5 tàu cá (34 ngư dân) bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó, năm 2023 có 4 tàu cá/28 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ và 1 tàu cá (6 ngư dân) bị Malaysia bắt giữ vào ngày 14/3 vừa qua.

Ngoài ra, công tác quản lý tàu cá hoạt động vùng lộng ngoài tỉnh (tàu cá dưới 15m) còn nhiều khó khăn, vì các tàu này không thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát; việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá cũng chưa giải quyết dứt điểm...

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, toàn bộ hệ thống chính trị của Bình Định đã rất tích cực vào cuộc chống khai thác IUU. Lãnh đạo các cấp, địa phương, lực lượng chức năng đã xuống tận nơi, triển khai rất nhiều biện pháp nghiêm khắc, nhưng vẫn không thể ngăn chặn triệt để tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải pháp lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu từ 12m đến dưới 15m và xem xét quy trách nhiệm của cảng cá để xảy ra việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, theo phương thức 50/50 - tức là chủ tàu vi phạm đóng 50% tiền phạt, cảng cá mà tàu đó xuất bến phải nộp 50% tiền phạt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của tỉnh Bình Định trong chỉ đạo, điều hành chống khai thác IUU; đồng thời đề nghị địa phương cần tổ chức tốt công tác quản lý đội tàu; thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường công tác thực thi pháp luật ngăn chặn khai thác IUU.

“Hiện nay, đa số bà con ngư dân Bình Định tuân thủ tốt các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn Luật cũng như triển khai các giải pháp chống IUU, tuy nhiên vẫn có “con sâu” đang làm ảnh hưởng tới nỗ lực chung của bà con ngư dân. Vì vậy, tỉnh Bình Định phải sớm tìm ra “con sâu” đó và giải quyết dứt điểm tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam nỗ lực “chuyển mình” theo hướng tăng trưởng xanh
    22 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Việt Nam đang cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh”, nhằm hướng tới thực hiện thành công cam kết “Net Zero” vào năm 2050 và phát triển bền vững. Đây được đánh giá là cuộc đổi mới xanh, cách mạng công nghiệp xanh và trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của đất nước.
  • Thực thi EPR - Cơ hội và thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
    22 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường phổ biến trên thế giới và được đánh giá là công cụ rất hiệu quả trong quản lý rác thải. Hiện EPR đang được kỳ vọng là sự khởi đầu tích cực trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để DN phát triển theo hướng bền vững.
  • Doanh nghiệp chủ động nguồn vốn trung, dài hạn để đi “đường dài”
    22 ngày trước Tài chính
    (BKTO) - Nguồn vốn trung, dài hạn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Do đó, việc DN chủ động được nguồn vốn này, đa dạng hóa các kênh huy động vốn sẽ là nền tảng vững chắc để DN có thể đi “đường dài”, phát triển bền vững.
  • Ngành thép cần chuyển đổi xanh để không tụt hậu
    22 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Được coi là một trong những ngành công nghiệp “xương sống” nhưng ngành thép vẫn chưa có một chiến lược, quy hoạch bài bản. Vì thế, việc xây dựng chiến lược phát triển cho ngành này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
  • Cơ quan quản lý không vào cuộc, giá vàng sẽ còn 'điên loạn'
    22 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Đó là ý kiến chuyên gia khi nói về "cơn điên" giá vàng hiện nay, theo đó, khi đang chờ sửa Nghị định 24, cơ quan quản lý vẫn cần sớm có động thái ổn định giá vàng.
Bình Định: Tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn