Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Alexander Ziehe - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và lãnh đạo các ban ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.247 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 40,5 tỷ USD, chiếm hơn 8,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Tuy vậy, vốn đầu tư của Đức vào Bình Dương còn khá khiêm tốn.
Với sự xoay trục của kinh tế toàn cầu và những nỗ lực của địa phương, Bình Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến tiềm năng của các DN Đức. Riêng đối với thị trường Đức, hiện có có 18 đầu tư đang đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký là 50,7 triệu USD chiếm 0,4% tổng số dự án và 0,1% tổng số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh với lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến chế tạo; trong đó, có các dự án tiêu biểu như: Công ty Thiết bị viễn thông VNPT-Siemens, Nhà máy Công ty TNHH Liên Doanh Hasan - Dermapharm, Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Việt Nam, Dự án Nhà Máy Của Siemens Tại Bình Dương….
Ông Alexander Ziehe - Chủ tịch Hiệp hội các DN Đức tại Việt Nam - cho biết: Bình Dương là một tỉnh thành công trong thu hút FDI và phát triển công nghiệp. Hiệp hội các DN Đức tại Việt Nam đang nhấn mạnh các yếu tố thành công này của Bình Dương đến với các DN Đức.
Ông Alexander Ziehe cũng đề xuất những vấn đề Bình Dương cần cải thiện hơn nữa để thu hút mạnh mẽ vốn FDI trong thời gian tới như: Hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thông quan xuất nhập khẩu; quy định về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; thủ tục cấp giấy phép xây dựng; chính sách ưu đãi thuế đầu tư, ưu đãi khi mở rộng đầu tư kinh doanh; quan tâm đến yếu tố bền vững như phát thải ròng, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái đáp ứng sản xuất xanh…
Tại Hội nghị, Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Bình Dương có cơ hội trao đổi trực tiếp, lắng nghe các nhà đầu tư đến từ Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trình bày những câu hỏi về môi trường đầu tư, cũng như những đề xuất cho định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh; nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh để tập trung vào hiện đại hoá các ngành công nghiệp hiện hữu; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đổi mới ngành công nghiệp.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, với hơn 60.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 1,2 triệu lao động; là tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.247 dự án FDI, có tổng vốn đăng ký là 40,5 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 2 tháng đầu năm ước tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 340,6 triệu USD, bằng 441% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội) với 4.247 dự án. Tổng số vốn đăng ký đầu tư là 40,5 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư FDI cả nước, quy mô trung bình dự án khoảng 9,6 triệu USD.