Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Vùng) có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.
Mặc dù luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm nhưng kinh tế - xã hội của Vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực tăng năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; hạ tầng giao thông vận tải chậm phát triển, thiếu đồng bộ... Vùng cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, xậm nhập mặn, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối các địa phương.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và thực trạng phát triển của Vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới…
Với vai trò là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan, báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ KH&ĐT đã xây dựng đề cương gửi các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị rà soát và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù đối với Vùng.
Trên cơ sở các đề xuất của 13 địa phương trong Vùng, Bộ KH&ĐT đề xuất 05 nhóm cơ chế đặc thù chung cho vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Nhóm chính sách về phát triển giao thông kết nối; nhóm cơ chế chính sách về nông nghiệp; nhóm cơ chế chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu; nhóm cơ chế chính sách về phát triển năng lượng tái tạo; nhóm cơ chế chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện 13 địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Báo cáo do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo.
Thông tin về việc triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và bổ sung, các địa phương cũng đề xuất thêm các cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics; cơ chế liên kết kinh tế biển, kinh tế sông; phát triển doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành có liên quan phát biểu làm rõ thêm các cơ chế, chính sách chuyên ngành theo đề xuất của các địa phương. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu và sớm có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời khẳng định, với tinh thần cầu thị cao, Bộ KH&ĐT sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo báo cáo để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Ngày 02/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW của về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung đánh giá các kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế và chỉ rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của Vùng.
Tổ chức thực hiện Nghị quyết này, ngày 18/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-BKHĐT ngày 29/9/2022 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ với 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 26 nhiệm vụ, đề án, 07 dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, kết nối, trong đó có nhiệm vụ báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.