Bình Dương hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

(BKTO) - Tỉnh Bình Dương đã hoàn thành 100% mục tiêu xây dựng nông thôn mới với tất cả 41 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới; đặc biệt có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã còn lại đang tiếp tục đầu tư nâng cao theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

ntm.jpg
Xã nông thôn mới kiểu mẫu Thạnh Hội, TP. Tân Uyên sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: TL

Sự đổi mới ngày càng rõ nét, đời sống của nhân dân được nâng cao

Qua 4 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, kết quả 41/41 xã ở Bình Dương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển.

Đặc biệt, huyện Dầu Tiếng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; thành phố Tân Uyên, thị xã Bến Cát được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 và 2018; các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Trong năm 2024, Bình Dương đã huy động xây dựng nông thôn mới với khoảng 2.183 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hơn 1.256 tỷ đồng. Đặc biệt, tại tỉnh Bình Dương không có nợ đọng vốn trong xây dựng nông thôn mới… Được biết, tổng vốn thực hiện chương trình nông thôn mới từ năm 2021-2023 là 6.408,9 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách chiếm 49%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%.

Hiện nay, nhiều công trình hạ tầng nông thôn tại Bình Dương được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa để từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tỉnh cũng áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội việc làm giúp người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là bố trí vốn xây dựng nông thôn mới lồng ghép. Theo đó, ưu tiên đầu tư cho những công trình nước sạch, giao thông, điện, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục... Đồng thời, tất cả các dự án xây dựng cơ bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được thẩm định nguồn vốn và thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công.

Vượt rào cản để đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh những thành quả tích cực, Bình Dương vẫn phải đối mặt nhiều rào cản trong xây dựng nông thôn mới như nhiều xã còn thiếu về số lượng dân số, diện tích, kinh phí thực hiện, cơ sở vật chất về trường lớp. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2025 – 2030 đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cần xây dựng chương trình cho mục tiêu 5 năm tới, trong đó cần chú ý dự toán kinh phí ngân sách thực hiện.

Theo đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm. T Bình Dương cũng khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP.

Trên thực tế, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn. Tỉnh cũng đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường.

Tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai thực hiện kế hoạch về xây dựng nông thôn mới thông minh đến năm 2025 dựa trên 3 tiêu chí về chính quyền, kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

lang-thong-minh.jpg
Du khách tham quan vườn bưởi tại cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ảnh: TL

Song song với việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, tỉnh Bình Dương cũng đã phát triển mô hình “Làng thông minh” với mục tiêu biến nông thôn thành nơi đáng sống. Mục tiêu chính là đưa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Tỉnh Bình Dương đã thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” ở xã Bạch Đằng - thành phố Tân Uyên với mục tiêu xây dựng Làng thông minh sẽ tạo nơi tập trung các sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, xanh, sạch...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; chú trọng các tiêu chí bảo vệ môi trường khi thực hiện các mô hình; tăng cường quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương; trong đó, cần biến các thế mạnh về phát triển công nghiệp của tỉnh (tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh) thành ưu thế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Về môi trường, tỉnh Bình Dương định hướng đến cuối năm 2025, trên 90% rác thải, nước thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp được phân loại tại nguồn và được thu gom xử lý theo đúng quy định. Về sản xuất, nắm bắt cơ hội mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy ưu thế của tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hút nguồn lực, tiếp cận các cơ hội đầu tư mới phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết. Quá trình đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng được định hướng gắn kết với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm được tỉnh quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện xuyên suốt hơn 10 năm qua. Nổi bật, với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư đã góp phần giúp tỉnh Bình Dương đạt được nhiều thành quả trong xây dựng nông thôn mới./.

Cùng chuyên mục
  • Nam Định dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng về tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2025
    hôm qua Địa phương
    (BKTO) - Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, trong quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 11,86%. Đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ trước đến nay; đứng thứ 3 cả nước và dẫn dầu vùng Đồng bằng sông Hồng.
  • Quảng Ninh: Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 14%
    hôm qua Địa phương
    (BKTO) - Bằng nhiều giải pháp quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, kết thúc Quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh Quảng Ninh đã đạt 10,91%, đứng thứ 7 cả nước (sau Bắc Giang, Hoà Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Lai Châu và Hải Phòng). Đây là tiền đề thuận lợi để Quảng Ninh tạo đà tăng tốc, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2025.
  • Dấu ấn Thành Nam
    hôm qua Địa phương
    (BKTO) - Thành Nam - tên gọi xưa của TP. Nam Định - không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm, truyền thống hào hùng ấy chính là nguồn động lực để TP. Nam Định phát triển kinh tế - xã hội, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh của dân tộc.
  • Vĩnh Long: Tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 10.624 tỷ đồng, tăng 8,1%
    2 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2025 của tỉnh Vĩnh Long đạt 10.624 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 0,11 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
  • Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công
    2 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Thời gian tới, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư và phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch được giao, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cơ bản nhất trí với ý kiến của UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, cơ quan liên quan và đề nghị Thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Bình Dương hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới