Nhiều chuyển biến tích cực trong thanh tra, kiểm toán phát hiện, xử lý tham nhũng
Báo cáo Quốc hội về công tác PCTN năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2024, công tác PCTN, tiêu cực được tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, công tác thanh tra, kiểm toán đóng góp tích cực trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, kiến nghị xử lý hành chính 7.629 tập thể và 8.714 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 372 vụ việc. Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 48.670,38 tỷ đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, năm 2024, công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm; chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
Năm 2024, các cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng; đã đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 1.186 vụ với 3.869 bị can, đã giải quyết 1.006 vụ với 3.242 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết sơ thẩm 1.154 vụ với 3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; đã xét xử 917 vụ với 2.418 bị cáo về tham nhũng. Tổng số việc phải thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 12.877 việc, có điều kiện thi hành 10.944 việc, đã thi hành xong 9.211 việc.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra và kiến nghị sửa đổi hoặc hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp thực tiễn. Đây là điều rất quan trọng và tôi đề nghị KTNN cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới nhằm góp phần khắc phục bất cập, bịt lỗ hổng thể chế để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời, khơi thông điểm nghẽn về thể chế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Khẳng định vai trò của KTNN trong công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí, trao đổi với Báo Kiểm toán, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh, thông qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi về cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, đồng thời kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm. Qua đó, KTNN đã góp phần ngăn chặn thất thoát, lãng phí, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. “Hoạt động kiểm toán giúp cho hoạt động quản lý tài chính, tài sản công công khai, minh bạch; từng bước chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tài chính; đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị” - đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Khắc phục những sơ hở, bất cập dễ phát sinh tham nhũng
Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác PCTN. Đó là, việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện; tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.
Đánh giá tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, KTNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về PCTN, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản...
Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, đại biểu Nguyễn Đình Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum) lưu ý, qua báo cáo cho thấy, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt tội tham ô tài sản tăng 45,61%. Theo đại biểu, vấn đề này cần được nghiên cứu nghiêm túc để phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) chỉ rõ, một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng chức vụ hiện nay là một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài. Việc truy bắt một số đối tượng này chưa hiệu quả do giữa nước ta và một số nước khác chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm cơ chế này để nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng tham nhũng trốn ở nước ngoài. Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, tội phạm tham nhũng thường xảy ra ở những nơi công vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực giữa người có quyền với người cần sự “trợ giúp”. Vì vậy, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm toán khách quan, trung thực để phòng ngừa.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhìn nhận, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN, tiêu cực trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, một số chủ trương trong chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa thành pháp luật. “Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo sự thông thoáng để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, khắc phục những sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” - Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh./.