Đó là thông tin chính của cuộc họp giữa Cục Điều tiết điện lực làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng một số các đơn vị có liên quan về tình hình cung ứng điện mùa khô, chiều 21/3.
Báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho thấy, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện Quốc gia 3 tháng đầu năm 2024 đạt ~69,2 tỷ kWh, cao hơn ~1,2 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2024 (68 tỷ kWh) và tăng trưởng ~11,6% so với năm 2023. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về 3 tháng trên hệ thống điện quốc gia đạt ~8,4 tỷ kWh, cao hơn so với kế hoạch năm ~0,5 tỷ kWh.
Trong tháng 3, A0 đã thực hiện huy động tiết kiệm thủy điện, chủ động làm việc với các UBND tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận… để đề nghị phối hợp hỗ trợ giảm lưu lượng cấp nước hạ du phù hợp với nhu cầu phát điện của hệ thống điện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có yêu cầu cấp nước cao hơn so với Quy trình điều tiết liên hồ chứa (hồ Bản Vẽ, Cửa Đạt, A Vương, Sông Bung 4, Đại Ninh, Buôn Tua Srah, Hàm Thuận).
Bên cạnh đó, từ ngày 8/3, A0 đã khai thác tối đa nhiệt điện và tuabin khí trên phạm vi toàn hệ thống để tiết kiệm thủy điện, đảm bảo tối đa mức công suất khả dụng của hệ thống điện trong mùa khô năm 2024. Đối với hệ thống điện miền Bắc, sẽ không bố trí lịch sửa chữa nguồn điện trong giai đoạn tháng 5-7.
Tại cuộc họp, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc đề xuất, trong giai đoạn mùa khô, tháng 5-6/2024 có thể dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các thủy điện nhỏ trên hệ thống điện miền Bắc từ các khung giờ 09h30-11h30, 17h00-20h00 sang khung giờ 12h30-15h30, 21h00-23h00 để tăng cường công suất khả dụng cho hệ thống điện miền Bắc (khoảng ~1700-2200 MW), hạn chế tình trạng quá giới hạn truyền tải đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan (trong trường hợp chưa đóng điện đường dây 500 kV mạch 3), giảm nguy cơ thiếu nguồn vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, A1 cũng chủ trì, mời A0 và các đơn vị liên quan (EVNNPC, EPTC, các đơn vị phát điện...) tham dự hội nghị trực tuyến phối hợp vận hành, triển khai kế hoạch dịch chuyển giờ phát điện cao điểm.
Giai đoạn tháng 7-8/2024 để đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng khung giờ phụ tải tăng cao tại một số thời điểm trong thời gian nắng nóng tháng 7, tháng 8, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà máy thủy điện, sẽ có cơ chế khuyến khích thủy điện nhỏ phát công suất cao vào khung giờ 12h30-15h30, 21h00-23h00. Điều chỉnh, bổ sung linh hoạt khung giờ cao điểm các thủy điện nhỏ được phù hợp tính chất, thành phần phụ tải theo từng khu vực, từng vùng miền trên nguyên tắc đảm bảo đủ số giờ cao điểm theo quy định.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu nhận định, phụ tải thực tế 3 tháng đầu năm 2024 ở mức cao, dự báo cả năm 2024 có thể tăng trưởng trên 10%. Công tác vận hành hệ thống điện được dự báo vẫn đối diện nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ xảy ra các sự cố về nguồn và lưới, do đó cần nâng cao cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để ứng phó với các sự cố có thể xảy ra xếp chồng, kéo dài, gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống điện.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo A0, A1 phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) làm việc với các Điện lực tỉnh, Sở Công Thương địa phương, đồng thời tăng cường tuyên truyền về vấn đề tiết kiệm điện, triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Đặc biệt tập trung vào các tỉnh lớn, phụ tải cao, có nhiều tiềm năng triển khai chương trình. Tính toán phương án huy động diesel của khách hàng dựa trên thực tế công suất khả dụng nguồn của hệ thống. Đồng thời, A0, A1 chủ động phối hợp với các nhà máy thủy điện để điều tiết linh hoạt mực nước, vận hành nhà máy hiệu quả.