Phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại, sinh thái, bền vững

(BKTO) - Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long.

1(1).jpg
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CP

Phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh

Tại Hội nghị, Vĩnh Long công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng vốn cam kết hơn 19.600 tỷ đồng.

Thủ tướng và các đại biểu cũng thăm không gian triển lãm Quy hoạch tỉnh, khu gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, giới thiệu những địa điểm tham quan nổi bật của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá việc tổ chức Hội nghị theo phương thức "hai trong một", kết hợp Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư; đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và thành quả của tỉnh Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong thời kỳ mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển Vĩnh Long toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và nhiệm vụ triển khai thời gian tới.

Theo Thủ tướng, việc triển khai Quy hoạch của Vĩnh Long có điều kiện rất thuận lợi trên nền tảng chung của cả nước, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới. Việt Nam đã thuộc nhóm 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới; chính trị - xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững…

2(1).jpg
Thủ tướng và các đại biểu xem sa bàn Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CP

Khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại; tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung vào các ngành mới nổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, tri thức…), lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý cần thay đổi mô hình tăng trưởng, cần làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), chú trọng các động lực mới, nhất là chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu… là những xu thế mới, tất yếu trên thế giới hiện nay.

Trong quá trình phát triển, Vĩnh Long cần coi trọng yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Yêu cầu phát triển đồng bộ toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, Thủ tướng lưu ý Vĩnh Long một số lĩnh vực trọng tâm như chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; công nghiệp hóa nông nghiệp với các trung tâm phục vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có các cơ sở sản xuất công cụ, phương tiện nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu nông sản; phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có xây dựng thương hiệu, phát triển ngành gốm sứ Vĩnh Long; tập trung đầu tư, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giảm chi phí logistics…; coi trọng phát triển kinh tế ban đêm, thương mại điện tử.

Về nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu phải luôn đổi mới tư duy phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Trên tinh thần "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển", Thủ tướng mong các nhà đầu tư chọn các ngành nghề đầu tư phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh. Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, chú trọng đào tạo nhân lực, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế. Kinh doanh và đầu tư đúng quy định của pháp luật. Thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển". Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Vĩnh Long đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, bộ, ngành: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm được…/.

Cùng chuyên mục
Phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại, sinh thái, bền vững