Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị phải điều chỉnh kinh phí chuyển sang năm sau theo kết luận kiểm toán

(BKTO) - Trong khuôn khổ cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải, Kiểm toán nhà nước đã đánh giá về công tác quản lý kinh phí chuyển từ năm 2020 sang năm 2021 của Bộ và nhiều cơ quan thuộc Bộ.

bo-gt-2-.jpeg
Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: TS

Kiểm toán nhà nước xác nhận số dư kinh phí năm 2020 chuyển sang năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải cao hơn số thẩm định của Bộ Tài chính số tiền 1.107 triệu đồng (theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đó là nguồn vốn viện trợ chưa được Bộ Tài chính ra thông báo quyết toán).

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra số dư kinh phí năm 2020 chuyển sang năm 2021 từ nguồn hoạt động khác để lại 43,7 triệu đồng của Bộ Giao thông vận tải cũng chưa có thẩm định của Bộ Tài chính.

Tại Cục Hàng không Việt Nam, Kiểm toán nhà nước xác định nguồn phí được khấu trừ để lại của Cục tăng 15.229,2 triệu đồng, do năm 2020 Cục chưa tổng hợp đầy đủ số phí được để lại vào Báo cáo quyết toán và phân bổ số phí được để lại cho các nhiệm vụ chi tự chủ, không tự chủ chưa phù hợp dẫn đến số liệu kinh phí quyết toán ngân sách năm 2020 chưa đảm bảo chính xác, quyết toán âm nguồn kinh phí.

chk.jpg
Kiểm toán nhà nước yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải điều chỉnh kinh phí năm 2021 chuyển sang năm 2022. Ảnh: TS

Đối với số dư kinh phí năm 2021 chuyển sang năm 2022, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, số dư kinh phí nguồn ngân sách nhà nước chuyển sang năm 2022 là 122.891 triệu đồng, gồm vốn viện trợ 4.540 triệu đồng, ngân sách trong nước 118.351 triệu đồng (trong đó dư dự toán 106.777 triệu đồng được chuyển nguồn do Bộ Tài chính giao dự toán sau ngày 30/9/2021); kinh phí tự chủ 6.888 triệu đồng; kinh phí khoa học công nghệ đang trong thời gian thực hiện 4.686 triệu đồng. Nguồn phí được để lại chi chuyển sang năm 2022 là 217.065 triệu đồng.

Qua kiểm toán số dư kinh phí năm 2021 chuyển sang năm 2022, Kiểm toán nhà nước nêu rõ, nguồn vốn viện trợ tăng 11.067,8 triệu đồng do Dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm đào tạo logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam, giai đoạn 2” chưa được giao dự toán, chưa đủ điều kiện quyết toán.

Nguồn phí được để lại giảm 11.841 triệu đồng, trong đó riêng Cục Hàng không Việt Nam phải giảm 28.510 triệu đồng và tăng 16.634,7 triệu đồng (bao gồm kinh phí tiết kiệm phải nộp ngân sách nhà nước 1.041,6 triệu đồng theo Nghị quyết số 58/NQ-CP).

Cụ thể, số phí mà Cục Hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm do phí kết dư từ nhiều năm hết nhiệm vụ chi 30.117,3 triệu đồng chưa nộp ngân sách nhà nước theo quy định, giảm quyết toán tăng chi chuyển nguồn năm sau kinh phí sửa chữa tài sản 1.607 triệu đồng.

Còn số phí phải điều chỉnh tăng do Cục Hàng không Việt Nam chưa nộp kinh phí tiết kiệm và chưa tổng hợp đầy đủ vào biểu quyết toán số phí thực thu trong năm, phân bổ số phí được để lại cho các nhiệm vụ chi trong năm chưa phù hợp, chưa chính xác, quyết toán âm nguồn kinh phí.

Cùng với số phí phải điều chỉnh tăng/giảm của Cục Hàng không Việt Nam, tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Kiểm toán nhà nước yêu cầu phải tăng chi chuyển nguồn năm sau 34,3 triệu đồng do Cục đã chi cao hơn dự toán được giao.

cuc_dt.jpg
Kiểm toán nhà nước yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải tăng chi chuyển nguồn năm sau hơn 34 triệu đồng. Ảnh: TS

Về nguồn khác được để lại, Kiểm toán nhà nước yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam giảm 121,3 triệu đồng do chưa nộp ngân sách nhà nước số dư nguồn thu cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển không được chuyển nguồn theo quy định.

Từ những tồn tại, sai sót nêu trên, Kiểm toán nhà nước yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh, kịp thời khắc phục để đảm bảo tính đúng đắn, trung thực, chính xác của số liệu quyết toán./.

Cùng chuyên mục
Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị phải điều chỉnh kinh phí chuyển sang năm sau theo kết luận kiểm toán