Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Vượt khó khăn, thách thức năm 2020 bằng nỗ lực và quyết tâm

(BKTO) - Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức trong năm 2020 về cơ bản vẫn rất lớn. Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, chủ nghĩa bảo hộ vẫn diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu.



Trong nước có nhiều vấn đề lớn, mang tính cấp bách cần quan tâm gồm: vấn đề tái cơ cấu đối với mô hình tăng trưởng; năng lực cạnh tranh của các ngành hàng, các sản phẩm từ khâu sản xuất vật chất cho đến phát triển thị trường; ứng phó kịp thời trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là trong bối cảnh cục diện đang diễn biến rất phức tạp cả về cấp độ khu vực và quốc tế. Yêu cầu đặt ra đối với ngành công thương là phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn, sáng tạo, đổi mới hơn, khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể để đưa vào Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 35 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách đồng bộ ngay từ ngày đầu năm.

Trong đó, tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ; phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các DN FDI và tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Khắc phục các vấn đề còn tồn tại để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chính quy của hoạt động xuất khẩu, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tạo kết nối tốt hơn giữa sản xuất nông nghiệp và thị trường. Đồng thời, tập trung phát triển thị trường trong nước, kích cầu nội địa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Tinh thần cải cách hành chính sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Hiện nay, Bộ đã hoàn thành chương trình cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh giai đoạn 2 với 202 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 36% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong phạm vi quản lý của Bộ và đã hoàn thành dự thảo, nghị định để điều chỉnh các nghị định có liên quan trình lên Thủ tướng. Ngành cũng đã có 292 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 166 dịch vụ cấp độ 3, 4. Trong năm 2020, toàn bộ các dịch vụ công của ngành sẽ được nâng cấp, hoàn thiện đạt cấp độ 3, 4, trong đó, ngoài 2 dịch vụ đã liên kết, sẽ tiếp tục đưa hàng loạt các dịch vụ khác lên cổng Dịch vụ công quốc gia. Kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm 2020 để tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

PHÚC KHANG (ghi)
Cùng chuyên mục
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Vượt khó khăn, thách thức năm 2020 bằng nỗ lực và quyết tâm