Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tập trung phát triển nguồn lực tài chính quốc gia bền vững

(BKTO) - Ngày 8/4/2021, Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành phê chuẩn ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.




Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Hoàng Dũng

Nhân dịp này, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những chia sẻ về nhiệm vụ và trọng trách mới được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Trong đó, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh việc tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.

PV: Thưa Bộ trưởng, xin ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình khi đảm nhận cương vị mới là Bộ trưởng Bộ Tài chính?

* Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 5 năm trước, tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó đảm nhận nhiệm vụ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, sau một nhiệm kỳ hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và giờ đây tôi tiếp tục vinh dự được đảm trách Bộ trưởng Bộ Tài chính - một bộ quản lý nhà nước đa ngành và có vai trò rất quan trọng trong quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính của quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và luôn nhận được sự quan tâm sát sao của người dân và của cộng đồng doanh nghiệp.

Tôi nhận thấy đây là vinh dự lớn, nhiệm vụ quan trọng nhưng đòi hỏi trách nhiệm cao và nặng nề. Vì vậy, bản thân tôi phải hết sức cố gắng để hoàn thành trọng trách được giao. Là một cán bộ được đào tạo chuyên ngành tài chính chính quy, trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, đã trực tiếp lãnh đạo quản lý điều hành ngân sách nhà nước, quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý Nhà nước và xây dựng Đảng; đặc biệt là 5 năm qua, với nhiệm vụ Tổng KTNN, lãnh đạo trực tiếp thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đã giúp cho tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về kinh tế tài chính vĩ mô, đó là điểm thuận lợi lớn cho tôi khi đảm nhận trọng trách mới.

Tuy vậy, bản thân tôi luôn xác định phải không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện ở vị trí công tác mới, nhằm cùng với tập thể Lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tài chính cùng đoàn kết, đồng lòng, chung sức thực hiện nhất quán có hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các cấp chính quyền, địa phương, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nỗ lực đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng một số đại biểu thảo luận bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: H.D

PV: Bộ Tài chính là bộ quản lý nhà nước đa ngành, có vai trò rất quan trọng trong quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính của quốc gia, trong công tác điều hành bộ máy nhà nước, đặc biệt 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm đầu thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, thực hiện Chiến lược Tài chính 5 năm và 10 năm tới. Thưa Bộ trưởng, đâu là những khó khăn, thách thức mà ngành Tài chính phải đối mặt trong thời điểm này?

* Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đúng vậy, hiện nay có thể nói là thời điểm hết sức quan trọng, năm đầu thực hiện các mục tiêu, chiến lược, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra trong nhiệm kỳ mới. Đây vừa là khó khăn, thách thức, cũng là cơ hội đối với ngành Tài chính.

Hiện nay đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thế giới cũng như trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế, thương mại quốc tế ngày càng gay gắt hơn. Ở trong nước, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường quan hệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam; trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn hạn chế; dư địa của nguồn lực tài chính và chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng còn gặp khó khăn…

Trên thực tế, việc quản lý thu, sử dụng ngân sách và tài sản công có lúc, có nơi chưa hiệu quả; đầu tư công vẫn còn lãng phí... Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) trước mắt cũng như lâu dài.

Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức, cũng mở ra nhiều cơ hội mới đối với ngành Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là năm đầu của thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm và 10 năm tới. Ngành Tài chính trên cơ sở tiếp thu những thành quả đạt được trong thời gian qua, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đưa ra những chính sách, cơ chế phù hợp cho thời gian tới, đặc biệt là phải tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.

Trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, ngành Tài chính Việt Nam luôn vững bước qua các giai đoạn lịch sử của đất nước và đã có những bước đột phá mạnh mẽ để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Thách thức đầu tiên là việc đảm bảo chính sách tài khóa, cân đối thu chi, giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách; quản lý điều hành ngân sách và nguồn lực quốc gia hiệu quả nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững chắc. Với đội ngũ cán bộ công chức toàn ngành trách nhiệm và chuyên nghiệp, tôi tin tưởng rằng, toàn ngành Tài chính và cá nhân tôi trong thời gian tới sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

PV: Trên cương vị mới, đâu sẽ là mục tiêu ưu tiên trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành của ông, thưa Bộ trưởng?

* Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiệm kỳ này là thời điểm rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Do đó trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính - NSNN phải tích cực, nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động trong hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Cùng với đó, phải tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu tiềm năng, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đảm bảo chi NSNN tiết kiệm hiệu quả, cải thiện tích cực chính sách tài khóa, sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều hành nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập khu vực và thế giới trong tình hình mới.

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong thời gian tới đó là phải tiếp tục giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính - NSNN; công khai, minh bạch, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tháo gỡ nút thắt nền kinh tế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính – NSNN.

Thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế, giảm bội chi ngân sách, giảm nợ công. Đó có thể coi là đường hướng cho thời gian tới để thực hiện chính sách tài khóa. Muốn vậy, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính; tăng cường hiệu quả công tác phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính- NSNN với quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ công phù hợp; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kế toán kiểm toán…

Bộ Tài chính là cơ quan đa ngành, đa nghề với rất nhiều lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp, do đó, các chính sách tài chính bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, thì điều cốt yếu đó là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp làm trung tâm.

Đặc biệt là sẽ tập trung, chú trọng khơi dậy và huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội, thông qua thúc đẩy phát triển các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó xây dựng nguồn lực tài chính quốc gia ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy hội nhập hiệu quả, nâng cao vị thế của nền kinh tế nước ta trên trường quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
Cùng chuyên mục
  • Nâng bậc triển vọng tín nhiệm:  Nỗ lực cải thiện quản lý kinh tế vĩ mô được ghi nhận
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Việc Fitch Ratings nâng bậc triển vọng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam là một sự công nhận xứng đáng đối với nỗ lực quản lý kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ bởi đại dịch Covid-19… Đây là chia sẻ của TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Economica Vietnam (Tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án) - với phóng viên Báo Kiểm toán.
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 5/4, tại Kỳ họp 11, Quốc hội đã bầu ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
  • Giải Búa liềm vàng lần thứ VI năm 2021 có nhiều điểm mới
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Giải lần thứ VI năm 2021 với nhiều điểm mới.
  • Phát huy tinh thần năng động, quyết liệt trong quản lý điều hành, phát triển đất nước
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dành trọn một ngày thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những thành tựu của Chính phủ trong quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong 5 năm qua. Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và gửi gắm kỳ vọng đối với Chính phủ nhiệm kỳ mới.
  • 9 nhóm Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tập trung phát triển nguồn lực tài chính quốc gia bền vững