Buôn lậu qua hàng không, đường biển tăng đột biến

(BKTO) - Theo Tổng cục Hải quan, trong quý III/2023, các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan trên tuyến hàng không tăng đột biến cả về số vụ và trị giá hàng hóa. Trong khi đó, vi phạm trên bộ, trên biển giảm số vụ nhưng trị giá hàng hóa tăng hàng trăm tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Ngành hải quan sẽ tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xử lý, bắt giữ các vụ việc.

12.jpg
Hết tháng 9/2023, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 200 vụ ma túy. Ảnh minh họa

Vi phạm qua hàng không tăng 856 vụ và trị giá tăng hơn 759 tỷ đồng

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), quý III/2023, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến khai báo hải quan, thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó nổi lên một số mặt hàng trọng điểm với phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Đáng chú ý, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tăng đột biến ở tuyến hàng không về cả số vụ và trị giá hàng hóa vi phạm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, trong quý III/2023, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.069 vụ vi phạm qua tuyến hàng không, tổng trị giá tang vật vi phạm hơn 802,3 tỷ đồng, tăng 856 vụ và tăng hơn 759 tỷ đồng trị giá hàng vi phạm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ số vụ bắt giữ qua tuyến hàng không chiếm hơn 22% trong tổng số vụ vi phạm do toàn ngành phát hiện trong quý III, trong khi đó, con số này của cùng kỳ năm ngoái chỉ là 4,5%.

Các vụ việc vi phạm trên tuyến hàng không liên quan đến khai báo hải quan, thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng, tập trung chủ yếu qua các Cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ, có sự chuyển dịch từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam.

Hết tháng 9/2023, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.903 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.025 tỷ đồng, cơ quan hải quan đã khởi tố 26 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 85 vụ, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 384,7 tỷ đồng.

Ngày 23/9/2023, trong quá trình soi chiếu hành lý xách tay đối với hành lý của một nam hành khách quốc tịch Thái Lan nhập cảnh trên chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) đến Việt Nam, qua cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng (Cục Hải quan Đà Nẵng) phát hiện 20 điện thoại iPhone 15 Pro Max 256 GB (máy đã tháo hộp) cùng 20 hộp và bộ phụ kiện; tổng trị giá ước tính khoảng 700 triệu đồng.

Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 22-23/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) và Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đồng chủ trì phối hợp với các lực lượng thực hiện bắt giữ 2 lô hàng gồm 36 chiếc iPhone 15 Pro Max nhập lậu qua sân bay Tân Sơn Nhất. Hàng hóa được vận chuyển trên các chuyến bay từ Singapore và Thái Lan về Việt Nam.

Vi phạm trên biển giảm 338 vụ nhưng trị giá hàng hoá tăng hơn 200 tỷ đồng

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trên tuyến đường biển, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới giảm về số vụ nhưng tăng trị giá hàng hóa vi phạm. Trong quý III, toàn ngành phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.157 vụ vi phạm qua tuyến này, tổng trị giá hàng vi phạm gần 395 tỷ đồng, giảm 338 vụ nhưng trị giá hàng hóa tăng 215,785 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tượng tự, trên tuyến đường bộ, đường sắt cũng giảm về số lượng vụ việc bắt giữ và xử lý nhưng tăng về trị giá hàng vi phạm. Địa bàn xảy ra vi phạm tập trung ở các khu vực giáp biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia; hàng hóa vận chuyển trái phép qua biên giới chủ yếu là: Pháo nổ, thuốc lá điếu, đường kính, hàng bách hóa...

Quý III có 2.535 vụ, tổng trị giá hàng vi phạm gần 1.150 tỷ đồng được phát hiện qua tuyến đường bộ, đường sắt, giảm 466 vụ so với cùng kỳ năm 2022, nhưng trị giá hàng vi phạm tăng 710 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tại tuyến đường bộ nổi lên hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng việc khai sai tên hàng, mã HS đối với hàng hóa là nguyên liệu may mặc (vải sợi, sợi...), nguyên liệu sản xuất thuốc, mặt hàng sữa tươi (thành phần có đường và không đường) để trốn thuế...

Để nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh với các tội phạm nói trên, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết, ngành hải quan sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả một số giải pháp. Trước tiên, Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo toàn ngành tăng cường triển khai các nghiệp vụ từ thu thập, phân tích, xử lý thông tin, triển khai các nghiệp vụ hải quan để xây dựng các kế hoạch, chuyên đề thực hiện xử lý, bắt giữ các vụ việc. Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng ứng dụng tối đa, hiệu quả trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác phòng, chống ma túy nói riêng và chống buôn lậu, gian lận thương mại nói chung như: Máy soi, máy phát hiện ma túy…/.

Cùng chuyên mục
  • Cơ hội gỡ “thẻ vàng” thủy sản
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với quyết tâm ở cấp quốc gia, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Những kết quả sơ bộ về gỡ “thẻ vàng”, đặc biệt là sau quá trình thanh tra của EC tại Việt Nam, đã được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến - Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU - chia sẻ với Báo Kiểm toán.
  • Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Nhà đầu tư và địa phương đều gặp khó
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Những ý kiến từ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, cơ quan quản lý ở cấp địa phương càng làm rõ thêm những “nút thắt” đang cản trở quá trình phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN), tác động đến khả năng phục hồi và phát triển kinh tế.
  • Để các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản sát với giao dịch thực tế
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Để nâng cao tính minh bạch, chính xác trong xác định giá đất cụ thể, các địa phương phải xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất đầy đủ, chính xác. Muốn vậy, phải có giải pháp để khắc phục tình trạng mua bán, giao dịch bất động sản (BĐS) không ghi chính xác giá trị chuyển nhượng…
  • Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh
    6 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV luôn chú trọng phối hợp với địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội. Năm 2023, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, 55 năm ngày Bác Hồ gặp mặt công nhân cán bộ ngành Than…
  • THACO: Ra mắt xe Peugeot 408 thế hệ mới
    6 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Vừa qua, Thaco Auto tổ chức chương trình Giới thiệu sản phẩm xe ô tô Peugeot 408 thế hệ mới - “Từ huyền thoại đến kỷ nguyên mới” tại TP. Hồ Chí Minh.
Buôn lậu qua hàng không, đường biển tăng đột biến