Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Nhà đầu tư và địa phương đều gặp khó

(BKTO) - Những ý kiến từ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, cơ quan quản lý ở cấp địa phương càng làm rõ thêm những “nút thắt” đang cản trở quá trình phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN), tác động đến khả năng phục hồi và phát triển kinh tế.

7-.jpg
Công tác quy hoạch, phát triển các KKT, KCN còn đối mặt với nhiều bất cập, khó khăn. Ảnh minh họa

Nhà đầu tư than khó

Hiện quản lý và vận hành kinh doanh 10 KCN với tổng diện tích 4.000ha, tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 150.000 lao động, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển KCN Sonadezi Đồng Nai - cho biết, “ngoài các chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư mà KCN được hưởng lợi thì điều quan trọng hơn nữa là uy tín của địa phương, thương hiệu của DN, cùng với tính sẵn sàng dành cho các nhà đầu tư” là những “nút thắt” cần tháo gỡ để các KKT, KCN, CCN phát triển.

Thực tế đang thể hiện rõ 3 bất cập lớn. Thứ nhất, mặc dù chúng tôi làm KCN từ rất sớm nhưng thủ tục, giấy tờ vẫn là một quá trình, không dự án nào dưới 3 năm mà phải từ 5 năm trở lên, thậm chí có dự án bắt đầu từ khi tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIII đến bây giờ là khóa XV vẫn chưa giao được đất, dù việc đền bù đã hoàn chỉnh. Đó là do những thay đổi về chính sách và quan trọng là quy định về thủ tục đất đai thay đổi theo từng thời kỳ. Thứ hai, đó là sự đồng hành của chính quyền địa phương trong giải quyết thủ tục, chính sách với DN trong KCN. Hiện nay, có rất nhiều bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật, nếu chính quyền địa phương không đồng hành với DN, không đi cùng với công ty hạ tầng thì rất khó để các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư KCN. Thứ ba là sự sẵn sàng của KCN. Khi nhà đầu tư “vào”, chúng ta không thể trả lời rằng tháng sau hoặc năm sau mới có đất sạch mà phải khẳng định thời điểm nào nhà đầu tư có thể triển khai dự án để họ có thể hoạch định được - bà Hằng phân tích.

Sonadezi Đồng Nai mong muốn cơ quan quản lý nhà nước nên có sự chia sẻ, đừng đặt gánh nặng vào công ty hạ tầng, cùng một lúc công ty hạ tầng không thể giải quyết được ngay tất cả các yếu tố mà cần có thời gian. Bởi lẽ, các quy định cũng không phải được ban hành một lúc, hơn nữa, quy định tại thời gian trước khác với quy định tại thời gian sau, trong khi đó lại yêu cầu công ty hạ tầng phải luôn luôn đúng thì chắc chắn là điều khập khiễng và công ty rất khó thực hiện.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sonadezi Đồng Nai

Ngoài ra, các quy định thay đổi quá nhanh và không được hiểu đồng nhất giữa Trung ương, các Bộ, ngành và địa phương dẫn đến thời gian làm thủ tục kéo dài, rất phiền hà cho nhà đầu tư. Hơn nữa, việc có quá nhiều giấy phép con, có giấy phép nhà đầu tư phải làm định kỳ hằng năm, 3 năm (trong khi giấy phép hoạt động của KCN là 30-50 năm) và cứ chu kỳ ngắn hạn như vậy phải đi xin lại, tần suất quá nhiều cũng làm nản lòng nhà đầu tư.

Cũng liên quan đến vấn đề thủ tục, ông Lê Thanh Hưng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - cho biết, do Tập đoàn là DN nhà nước, khi quyết định các vấn đề lớn, quan trọng đều phải thông qua Hội đồng thành viên (khác với các DN tư nhân) nên có những quyết định khó khăn hơn rất nhiều, phải xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan của Chính phủ. Vì vậy, Tập đoàn rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện thủ tục, hoàn thiện hồ sơ pháp lý…

Địa phương cũng kêu vướng

Khó khăn không chỉ đến với các DN, mà ngay cả các cơ quan quản lý ở địa phương cũng gặp không ít vướng mắc. Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Bình Dương - cho biết, tỉnh đang gặp khó khăn trong việc rà soát nguồn gốc đất của KCN. Cùng với đó, quy định về xác định giá đất và nghĩa vụ tài chính cũng chưa đồng bộ, rõ ràng nên việc áp dụng gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, chính sách ưu đãi đầu tư đối với DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN chưa tính đến yếu tố đặc thù của địa phương và chưa phân định theo lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; còn thiếu chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các dự án trong KCN, giữa các KCN với nhau… Do đó, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương nhanh chóng thể chế hóa các quy định quản lý, phát triển KCN, CCN một cách rõ ràng, cụ thể để dễ áp dụng.

Những quy định không rõ ràng về việc chấp thuận nhà đầu tư, nguồn gốc đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính sẽ gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng, đặc biệt đối với ngân sách nhà nước. Do đó, Bình Dương kiến nghị Kiểm toán nhà nước chủ trì kiểm tra, kiểm toán để kiến nghị Chính phủ rà soát, thống nhất ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể đối với các vướng mắc này giúp địa phương có cơ sở thực hiện công khai, minh bạch, an toàn vì mục tiêu thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương

Còn theo ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, nhìn vào thực tế thì thấy vướng mắc lớn nhất hiện nay tại các tỉnh là việc chậm được phê duyệt quy hoạch nên việc triển khai gặp khó khăn. Thứ hai là công tác xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông kết nối với KCN, CCN thường quá tải. Thứ ba là sự chưa đồng bộ về kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội làm nảy sinh nhiều bất cập, để lại nhiều hệ quả…

Cũng đề cập đến vấn đề hạ tầng xã hội, ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh, bài học của Bắc Ninh hiện nay với những hệ lụy chưa tốt trong phát triển KKT, KCN đã tạo ra gánh nặng, sức ép rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Tương tự, tại Bình Dương, Đồng Nai, sức ép liên quan đến chế độ, chính sách an sinh xã hội tại các KCN cũng rất nhức nhối, nhất là nạn trẻ em thất học và tệ nạn xã hội.

“Chúng tôi vẫn đang cố gắng nỗ lực để hạn chế tối đa những áp lực về xã hội” - ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết. Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nhưng Bắc Ninh có mật độ dân số đứng thứ 3. Từ sự phát triển công nghiệp, tỉnh phải chịu một áp lực rất lớn khi thu hút đầu tư tốt, số lượng lao động nhập cư rất đông. Riêng trong các KCN có thời điểm lên tới 400.000 lao động, chưa kể các lao động ở 23 CCN, 180 làng nghề… Sự tăng dân số cơ học tạo nên sức ép lớn cho hạ tầng xã hội và quản lý nhà nước tại địa phương - ông Phúc chia sẻ.

Đề xuất giải pháp, ông Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh, chúng ta phải kiên quyết xử lý tất cả những sai phạm liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường; công tác quản lý, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý các KKT, KCN. Cùng với đó, phải giải quyết một cách thấu đáo và kịp thời nhất những hệ lụy tiêu cực từ vấn đề an ninh xã hội. Nếu quan tâm, tập trung xử lý từng việc một, KKT, KCN sẽ trở thành đúng tính chất như chúng ta mong muốn, yêu cầu./.

Cùng chuyên mục
  • Để các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản sát với giao dịch thực tế
    6 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Để nâng cao tính minh bạch, chính xác trong xác định giá đất cụ thể, các địa phương phải xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất đầy đủ, chính xác. Muốn vậy, phải có giải pháp để khắc phục tình trạng mua bán, giao dịch bất động sản (BĐS) không ghi chính xác giá trị chuyển nhượng…
  • Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh
    6 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV luôn chú trọng phối hợp với địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội. Năm 2023, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, 55 năm ngày Bác Hồ gặp mặt công nhân cán bộ ngành Than…
  • THACO: Ra mắt xe Peugeot 408 thế hệ mới
    6 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Vừa qua, Thaco Auto tổ chức chương trình Giới thiệu sản phẩm xe ô tô Peugeot 408 thế hệ mới - “Từ huyền thoại đến kỷ nguyên mới” tại TP. Hồ Chí Minh.
  • ADB và Ngân hàng Nhà nước hợp tác phát triển công nghệ tài chính
    6 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hôm nay đã tổ chức Lễ khởi động đánh dấu việc thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) trị giá 5 triệu USD, được tài trợ bởi Chính phủ Thụy Sĩ, nhằm phát triển các công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam.
  • Ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
    6 tháng trước Kinh tế
    Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế suy giảm, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là thách thức lớn, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cùng với kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cần ưu tiên tập trung khơi thông các điểm nghẽn, xử lý các hạn chế, bất cập kéo dài… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Nhà đầu tư và địa phương đều gặp khó