Cơ hội gỡ “thẻ vàng” thủy sản

(BKTO) - Với quyết tâm ở cấp quốc gia, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Những kết quả sơ bộ về gỡ “thẻ vàng”, đặc biệt là sau quá trình thanh tra của EC tại Việt Nam, đã được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến - Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU - chia sẻ với Báo Kiểm toán.

14-ong-tien.jpg
Ông Phùng Đức Tiến. Ảnh: P. HIẾN

Thưa ông, Việt Nam đã và đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của nhiệm vụ này?

Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quy định nhận diện nguồn gốc thủy sản nhập khẩu, từ đó phân loại các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào Liên minh này bằng hệ thống các thẻ màu bao gồm: Xanh, vàng, đỏ và nghiêm trọng nhất là ngừng giao dịch. Việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết đối với Việt Nam vì nhiều lý do.

Trước hết, EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá 11 tỷ USD năm 2022, thị trường EU đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD. Với hạn chế của “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi EU bị tiền kiểm 100%. Hậu quả là chi phí xuất khẩu tăng lên, số lượng giảm xuống do thời gian giao hàng kéo dài.

Thứ hai, việc chậm thực hiện khuyến nghị của các đoàn thanh tra từ EC có thể khiến cho “thẻ vàng” có nguy cơ biến thành “thẻ đỏ”. Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Là quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới. Từ góc độ kinh tế, việc không ngăn chặn được hoạt động khai thác IUU cũng đồng nghĩa với xuất khẩu sụt giảm. Trên bình diện quốc tế, hoạt động khai thác IUU còn làm xói mòn danh tiếng của Việt Nam và làm suy giảm quan hệ thương mại quốc tế với các đối tác.

Thứ ba, nếu tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp kéo dài, Việt Nam đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Do đó, việc gỡ được “thẻ vàng” IUU cũng đồng nghĩa là những nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát vấn đề này đã mang lại kết quả, được quốc tế công nhận và đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp, giảm nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và bảo đảm công bằng cho những ngư dân không vi phạm.

Đoàn thanh tra của EC vừa kết thúc thời gian thanh tra thực tế lần thứ 4 về IUU. Xin ông cho biết một số kết quả sơ bộ của cuộc thanh tra lần này?

Đoàn thanh tra của EC đã sang Việt Nam làm việc về gỡ “thẻ vàng” IUU từ ngày 10-18/10. Trong quá trình làm việc, Đoàn tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam. Đoàn cũng đồng tình với Việt Nam rằng, việc chuyển từ đánh bắt xa bờ sang nghề cá có trách nhiệm đã có sự chuyển biến tích cực.

Về khung pháp lý, Đoàn cơ bản thống nhất với dự thảo 2 nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

14.jpg
Việt Nam cần mạnh mẽ chuyển đổi từ đánh bắt xa bờ sang nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Ảnh: N.LỘC

Từ đó, Đoàn thanh tra đề nghị kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày; xóa tàu “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép) và tỷ lệ xử phạt còn rất thấp. Đoàn tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá; kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Về kết quả chính thức, Đoàn thanh tra phải báo cáo với Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản của EC, khi đó, việc gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam lúc đó mới có kết luận.

Vậy Việt Nam cần thực hiện các giải pháp nào để đáp ứng yêu cầu, khuyến nghị mà EC đưa ra, thưa ông?

Đối với vấn đề liên quan đến “thẻ vàng” IUU, tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là kiên trì, kiên định trong việc chống khai thác IUU, bảo vệ đại dương, nguồn lợi hải sản, phát triển bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng luật pháp quốc tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các bất cập, hạn chế; thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Đối với các vấn đề được EC lưu ý, khuyến nghị thực hiện cũng đã và đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Thủ tướng yêu cầu coi kết quả thực hiện chống khai thác IUU là một tiêu chí xem xét trong đánh giá công tác điều hành, quản lý, xếp loại cán bộ các cấp năm 2023 và các năm tiếp theo.

Ngoài sự chỉ đạo từ Trung ương, các địa phương ven biển phải chỉ đạo sát sao, thường xuyên liên tục và đồng bộ các giải pháp. Các tỉnh đã có hệ thống kết nối với thiết bị VMS phải trực 24/24 để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối. Đặc biệt là thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Về phía cơ quan thường trực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Cơ hội gỡ “thẻ vàng” thủy sản