Cà Mau: Chi phí nuôi tôm cao, lợi nhuận giảm sâu

(BKT) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện nay, các chi phí cơ bản như chi phí thức ăn, tôm giống, hoá chất cải tạo môi trường… chiếm đến 88-100% tổng giá thành tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Điều này khiến không ít bà con nuôi tôm phải lâm cảnh nợ nần, thậm chí phải treo ao chờ thời.

ca-3010-2.jpg
Chi phí cơ bản đối với việc nuôi tôm siêu thâm canh chiếm đến 88-100% tổng giá thành. Ảnh: ST

Giá thức ăn cho tôm tăng cao, giá bán tôm giảm mạnh

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 278.488ha diện tích nuôi tôm, trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh khoảng 6.380ha, giảm 3,8% so với cùng kỳ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, giá thành tôm nuôi được cấu thành bởi hai yếu tố chính là chi phí sản xuất và năng suất. Điều đáng lo ngại với Cà Mau hiện nay là chi phí nuôi tôm đang tăng cao.

Cụ thể, đối với loại hình nuôi tôm siêu thâm canh thì chi phí thức ăn chiếm hơn 50%; tôm giống chiếm 8-10%; thuốc, hoá chất cải tạo môi trường, thức ăn bổ sung chiếm khoảng 15-20%; nhiên liệu, khấu hao thiết bị chiếm khoảng 15-20% tổng chi phí nuôi tôm. Như vậy, những chi phí cơ bản này chiếm đến 88-100% tổng giá thành nuôi tôm siêu thâm canh.

Thêm vào đó, giá tôm sụt giảm từ 11.000 – 36.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên nhiều đối tác không ký đơn hàng mới dẫn đến hàng tồn kho nhiều. Nhiều DN hoạt động cầm chừng hoặc giảm quy mô chờ đơn hàng mới để xuất khẩu.

Chi phí nuôi tôm tăng cao cùng với rủi ro biến động thị trường và dịch bệnh đã khiến nhiều hộ nuôi tôm thành công nhưng không còn lợi nhuận, thậm chí lâm cảnh nợ nần, phải cầm cố tài sản, gá nợ đất đai cho các đại lý, điểm phân phối thức ăn.

Ông Châu Trung Trực - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Ðoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi - chia sẻ: Trong tháng 8 vừa qua có thành viên thu hoạch ao tôm thẻ chân trắng, loại 20 con/kg, đạt sản lượng hơn 4 tấn nhưng lại lỗ hơn 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Trực, bà con xã viên hiện nay gặp khó khăn do giá vật tư đầu vào tăng cao trong khi giá tôm giảm mạnh; cộng thêm dịch bệnh, thời tiết biến đổi nên hầu hết người nuôi tôm từ đầu năm đến nay đều lỗ. Nhiều xã viên và bà con phải treo ao chờ thời…

ca-mau-3010.jpg
Cà Mau sẽ xây dựng mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Ảnh: ST

Thay đổi cách nuôi tôm, xây dựng liên kết chuỗi

Ðể giảm giá thành trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng, người nuôi tôm cần nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho tôm bằng việc lựa chọn thức ăn có độ đạm phù hợp. Hiện nay, người nuôi tôm chuộng thức ăn có độ đạm cao, từ 42-45% đạm, trong khi nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi 36% đạm là đảm bảo. Việc dùng thức ăn có độ đạm cao còn làm giá thành sản xuất tăng hơn 4-5 ngàn đồng/kg tôm thương phẩm.

Ngoài ra, cần quản lý thức ăn trong ao nuôi hợp lý, tránh dư thừa; đồng thời quản lý tốt các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và hấp thụ chuyển hoá thức ăn...

Ðể giảm giá đầu vào, tăng giá bán và ổn định đầu ra cho tôm nuôi, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh để hướng tới sản xuất bền vững và tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn tín dụng thông qua liên kết. Theo đó, mời các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào có thị phần lớn trên địa bàn tỉnh tham gia liên kết trong chuỗi và mời doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có biện pháp quản lý, bình ổn giá vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm; quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, rà soát số lượng khách hàng được hưởng chính sách, xuống địa phương để hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được vay vốn nuôi tôm.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau cho rằng việc đầu tư cho loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là loại hình đầu tư có điều kiện và không phải ai cũng tiếp cận được.

Theo đó, để giúp người dân đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cà Mau kiến nghị: UBND tỉnh cần ban hành quy định hạn mức thu nhập thấp là bao nhiêu cũng như các cơ quan thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp thu nhập cao để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

Hơn nữa, theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cà Mau, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn nên không thể trông chờ vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, mà người dân cần chủ động cân đối tài chính. Ngân hàng đầu tư có hạn mức nhất định, hỗ trợ một phần nào đó. Nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh được cho là siêu lợi nhuận nhưng rủi ro cao, các ngân hàng khi cho vay phải làm cách nào đó bảo toàn được nguồn vốn./.

Cùng chuyên mục
Cà Mau: Chi phí nuôi tôm cao, lợi nhuận giảm sâu