Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát

(BKTO) - Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 36,6% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18,8% thu ngân sách nhà nước.

usd.jpg
Nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015, xuống còn khoảng 3-4% GDP năm 2023. Ảnh minh họa

Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2023 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.

Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 73% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 12,43 năm tính đến ngày 27/11/2023); các khoản nợ nước ngoài hiện hành còn dư nợ chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015, xuống còn khoảng 3-4% GDP năm 2023.

Trong năm 2023, Chính phủ không cấp bảo lãnh cho các dự án mới; các dự án được Chính phủ bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoảng 6.167 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 4.289 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 10.154 tỷ đồng, giảm 6.137 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt.

Năm 2023, công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và quảng bá với các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô - nợ công cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong năm 2023, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody's, Fitch và S&P) đều có nhận xét tích cực về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động điều hành, tập trung vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Đặc biệt, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB+, triển vọng Ổn định./.

Cùng chuyên mục
Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát