Ngành Công Thương đạt nhiều kết quả tích cực

(BKTO) - Năm 2023, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

vg.jpg
Ngành Công Thương đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực năng lượng. Ảnh: VGP

Trong đó, nổi bật là Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, năng lực cạnh tranh công nghiệp cao vào năm 2030.

Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương; phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.

Cùng với đó, 04 Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, mở ra không gian phát triển mới của ngành năng lượng và khai khoáng Việt Nam.

Cụ thể gồm: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.

Việc triển khai các Quy hoạch theo hướng hiện đại, bền vững, công bằng sẽ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.

Cũng trong năm qua, ngành Công Thương đã tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng quan trọng.

Theo đó, ngành đã thúc đẩy việc đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải và triển khai loạt dự án điện khí LNG; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và hoàn thành sửa chữa các tổ máy Nhiệt điện; khẩn trương triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Việc đưa vào hoạt động Dự án Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) 1 triệu tấn/năm Thị Vải đã mở đường đưa sản phẩm khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu với quy mô lớn nhất (1 triệu tấn) có mặt tại thị trường Việt Nam, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu, đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững, đồng thời góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành ngày 27/4/2023. Với tổng công suất lên tới 1.200 MW, Nhà máy có quy mô công suất lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc bộ, có thể cung cấp tới hơn 7,2 tỷ kWh điện/năm cho lưới điện quốc gia.  

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, Bộ Công Thương đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các nhà máy nhiệt điện than, nhanh chóng khắc phục sửa chữa các tổ máy bị sự cố; khẩn trương triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3 với tổng chiều dài khoảng 515 km. Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.

Cùng chuyên mục
Ngành Công Thương đạt nhiều kết quả tích cực