Các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất đạt hiệu quả kinh doanh ngày càng cao

(BKTO) - Cùng với việc công bố Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2019 (Profit500) theo 2 danh sách Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã có những khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá toàn diện về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng. Kết quả này cũng được công bố đồng thời với danh sách Profit500, ngày 25/9.



Hiệu quả kinh doanh tốt hơn

Qua xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500, các nhà nghiên cứu cho rằng, ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit500 khoảng 11,9%, có xu hướng tăng nhẹ từ mức 11% trong Bảng xếp hạng năm 2018. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của các doanh nghiệp Profit500 đang được cải thiện. Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các doanh nghiệp cũng tăng lên 20,9%, so với mức 19% năm 2018, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp có chiều hướng tốt hơn (theo chuẩn quốc tế doanh nghiệp có ROE ≥ 15% được đánh giá là doanh nghiệp tốt).

Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp trong nước trong Bảng xếp hạng Profit 2019 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 17% so với mức 11,5% và 12,7% tương ứng của khối DNNN và khối ngoài nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng vượt trội hơn với ROE là 26,4%, so với mức 17,6% của khối DNNN. Sự chênh lệch nhiều về khả năng sinh lời cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mặc dù có cải thiện trong vài năm qua nhưng vẫn còn ở mức thấp và nếu không cải thiện sẽ bị tụt hậu so với các doanh nghiệp FDI năng động và hiệu quả.
                
   

ROA và ROE bình quân các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019- Nguồn: Vietnam Report

   
Xét theo ngành, những ngành có ROA cao nhất so với mức bình quân chung trong Bảng xếp hạng Profit 2019 là các ngành Viễn Thông- Công nghệ Thông tin; Dược phẩm- Y tế; Thực phẩm- Đồ uống; Vận tải… Những ngành có ROE cao nhất so với mức bình quân chung là các ngành Viễn Thông- Công nghệ Thông tin; Cơ khí; Dệt may- Da Giày; Xây dựng- Bất động sản; Thực phẩm- Đồ uống…

Đây cũng là những ngành nằm trong Top những ngành có ROA và ROE cao trong Bảng xếp hạng năm 2018, cho thấy xu hướng độc lập, tự chủ về tài chính đã mang lại kết quả khá tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.
                
   

ROA và ROE bình quân của các ngành trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019- Nguồn: Vietnam Report

   
Môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện

Về cơ bản các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay khởi sắc hơn năm trước. Có 82% số doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2019 dự kiến sẽ tăng lên so với năm 2018 và có 79% cho rằng lợi nhuận sau thuế cũng tăng lên so với năm 2018. Nhìn chung, các doanh nghiệp đánh giá cao việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và kỳ vọng kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2019.
                
   

Nhận định của doanh nghiệp về doanh thu/lợi nhuận năm 2019 so với năm 2018- Nguồn: Vietnam Report

   
Nhận xét về môi trường đầu tư và kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2019, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng ở mức chấp nhận được. Một số khía cạnh trong môi trường đầu tư và kinh doanh được doanh nghiệp đánh giá tốt có thể kể đến là Quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ (có đến 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là Tốt, 5% đánh giá là Rất tốt); Tiếp cận vốn (86,3% doanh nghiệp đánh giá Tốt); Hệ thống thuế và quản lý thuế (80,4% doanh nghiệp đánh giá Tốt và 8,9% đánh giá Rất tốt).

Trong khi đó, một số lĩnh vực được doanh nghiệp đánh giá kém bao gồm: Cơ sở hạ tầng; Hiệu quả của dịch vụ hành chính và Tiếp cận đất đai với tỷ lệ lần lượt là 30%; 29,8% và 27,8%.

Khi được hỏi về những rào cản hoặc thách thức nào có khả năng ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, đa số các doanh nghiệp chọn ra 5 rào cản/thách thức chính bao gồm: Thủ tục hành chính phức tạp (55,6%); Nỗi lo tăng trưởng kinh tế không ổn định (52,4%); Nỗi lo về tăng gánh nặng thuế (39,7%); Biến động tỷ giá (36,5%) và Khó tiếp cận nguồn vốn (30,2%).

Một số rào cản cụ thể khác mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% nhưng cũng rất đáng lưu tâm đó là chiến tranh thương mại Mỹ- Trung; Ràng buộc về hành lang kỹ thuật trong xuất khẩu và vấn đề thuế chống bán phá giá.
                
   

Top 5 rào cản, thách thức ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng doanh nghiệp trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020- Nguồn: Vietnam Report

   
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đang đặt trọng tâm chiến lược vào sức mạnh nội lực. Trong câu hỏi về Top 3 chiến lược ưu tiên để tăng doanh thu trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, có gần 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ ưu tiên vào việc Tăng năng suất lao động của nhân viên (77,8%); tiếp đó là Tìm kiếm nhóm khách hàng mới (khoảng 76%) và Tìm kiếm thị trường mới (khoảng 70%). Cũng trong một câu hỏi bổ sung về chiến lược nào doanh nghiệp ưu tiến để tăng trưởng lợi nhuận trong ít nhất 12 tháng tới, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn hình thức Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất kinh doanh (chiếm tỷ lệ khoảng 70%).

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất đạt hiệu quả kinh doanh ngày càng cao