Các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh xác định rõ chiến lược cho năm 2019

(BKTO) - Danh sách Bảng xếp hạng FAST500- Top 500 doanh nghiệp (DN) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2019 vừa được công bố chiều 27/02.



Theo đó, Top 10 DN dẫn đầu Bảng xếp hạng năm nay là các tên tuổi sau:
Bảng xếp hạng FAST500 được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập, công bố chính thức lần đầu tiên vào năm 2011. Thứ hạng của các DN trong Bảng xếp hạng được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế và uy tín DN trên truyền thông... cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của DN trong ngành hoạt động.

DN trong FAST500 tăng trưởng ổn định

Theo nghiên cứu của Vietnam Report, giai đoạn 2014-2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép CAGR trung bình của Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam đạt 38%.

Xét theo khu vực kinh tế, điểm nổi bật của tăng trưởng trong giai đoạn này là kinh tế tư nhân thể hiện rõ vai trò là nguồn lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình đạt lớn nhất, 39,6%, vượt khá xa so với hai khu vực còn lại. Kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong FAST500 với 81,4% số DN lọt vào Bảng xếp hạng. Bên cạnh đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có tốc độ ngang bằng với khu vực kinh tế Nhà nước. Điều này là một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn vừa qua.
                
   

CAGR trung bình theo khu vực kinh tế của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2019

   
Xét trên khía cạnh ngành nghề, những năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành Bán lẻ. Trong Bảng xếp hạng FAST500 năm nay, đây cũng chính là ngành có tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 4 năm từ 2014-2017 với mức tăng 63%, đứng đầu Top 5 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép cao nhất.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp, Thép, Cơ khí và Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin vẫn giữ vững vị thế tăng trưởng với CAGR bình quân ở mức cao trên 44%. Tiếp tục dẫn đầu thị trường với số doanh nghiệp đông nhất toàn bảng năm nay là ngành Xây dựng, Vật liệu xây dựng và Bất động sản - chiếm 30% tổng số DN.
                
   

Top 5 ngành có CAGR trung bình cao nhất
   của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2019

   
Những con số trên đã phác họa phần nào bức tranh thị trường hiện nay với tiềm năng tăng trưởng đến từ các ngành nổi bật như Bất động sản và Bán lẻ - những lĩnh vực được dự đoán sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút đầu tư mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước.
Qua khảo sát các DN tăng trưởng FAST500, đa số DN tỏ ra lạc quan trước kết quả kinh doanh năm 2018 (85,6% DN đánh giá doanh thu năm 2018 tăng lên so với năm 2017, 64,3% doanh DN nhận định lợi nhuận sau thuế có tăng lên). Với sự lạc quan này, gần 70% DN phản hồi có ý định mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, đánh giá về những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng của DN trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2014-2018), dẫn đầu là yếu tố Tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (60,7%), theo sau là yếu tố Mở rộng thị trường hiện có (42,9%) và Cải thiện cơ sở hạ tầng (39,3%). Trong 2 năm liên tiếp, nhiều DN trong FAST500 đều cho rằng chính sự tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là nguyên nhân chủ yếu tạo đà cho bước tăng trưởng của DN, bên cạnh nỗ lực của DN và việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Nhà nước.
                
   

Top 5 yếu tố đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng của DN trong giai đoạn 2014-2018

   
Nhận diện thách thức và xác định chiến lược

Cùng với những thành tích về tăng trưởng GDP, thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và bước tiến dài hơn qua cánh cửa hội nhập quốc tế trong năm 2018, các DN trong FAST500 cho rằng, năm 2019 có nhiều cơ hội mới mở ra, đem lại sự lạc quan khá cao về triển vọng tăng trưởng doanh thu tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, kéo theo đó sẽ là nhiều thách thức cản trở sự phát triển DN.

Cụ thể, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng, khó tuyển dụng nhân sự tài năng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành đang là 3 rào cản lớn nhất đối với các DN. Trong đó, DN đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, nếu trong năm trước, thủ tục hành chính là khía cạnh mà nhiều DN cảm thấy lo ngại thì nay vấn đề nhân sự đã vươn lên trở thành một thách thức không nhỏ. Điều này cho thấy phần nào hiệu quả từ nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Chính phủ trong thời gian qua, đồng thời cho thấy phần lớn DN đã nhận diện được những thách thức kinh doanh trong giai đoạn tới.
                
   

Top 5 thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng của DN năm 2019

   
Để vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội tăng trưởng, các DN xác định 3 ưu tiên chính trong chiến lược kinh doanh của DN trong năm nay lần lượt là: Tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (71,4%), cắt giảm chi phí (50%) và tăng năng suất (46,4%).

Ngoài ra, mở rộng sang các thị trường mới, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới... cũng là những định hướng đang được DN quan tâm. Đặc biệt, để cải thiện triển vọng tăng trưởng, chất lượng sản phẩm/dịch vụ với giá thành hợp lí, chất lượng nguồn nhân lực đều là những yếu tố DN xác định cần tập trung hàng đầu.

Dự báo những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong 3 năm tiếp theo, các DN cho rằng: Công nghệ thông tin, Nông nghiệp sạch, Du lịch - Khách sạn, Công nghệ sạch và Bán lẻ là Top 5 ngành tiềm năng nhất. So sánh với đánh giá của các DN trong năm trước, những ngành trên cũng được cho là rất có triển vọng. Điều này cũng thể hiện đúng xu hướng của các DN trong nước hiện nay, đó là hướng đến đẩy mạnh phát triển công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy nông nghiệp sạch và đưa du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Trong nhiều đợt khảo sát các DN FAST500 hàng năm, thủ tục hành chính và thuế thu nhập DN luôn là hai trong những vấn đề gây “đau đầu” cho cả DN lẫn các nhà hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, giảm lãi suất tín dụng cũng là chính sách mà các DN mong đợi sẽ có bước tiến triển tích cực trong năm 2019. Đối với DN, đây đều là những khuyến nghị chính sách cần được ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của DN trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, kể từ năm 2017, Cải thiện môi trường pháp lý cũng trở thành một trong những chính sách được rất nhiều DN quan tâm. Theo nhiều chuyên gia, việc cải thiện môi trường pháp lý là “chìa khóa” để hỗ trợ DN bước qua cánh cửa hội nhập thành công, đón đầu những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do có thể mang lại, đồng thời tiếp tục ổn định nền tảng để tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng vững bền.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), do tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương và NHNN tổ chức sáng 26/2.
  • Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt 20 triệu giờ công an toàn
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tính đến ngày 25/02/2019, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã đạt được mốc 20 triệu giờ công an toàn (tính từ ngày 02/6/2014), trong đó nhân sự Công ty BSR đóng góp khoảng 65%, nhà thầu 35%.
  • Phát hiện vụ việc vi phạm điển hình trên môi trường thương mại điện tử
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa cho biết, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã nhận toàn bộ hồ sơ bàn giao từ Đội Quản lý thị trường số 6 để ra quyết định xử phạt đối với 01 vụ việc vi phạm điển hình trên môi trường thương mại điện tử.
  • Khắc phục “thẻ vàng”,  đưa hải sản Việt vươn ra thế giới
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong vấn đề chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) đã được thực hiện một cách đồng bộ từ T.Ư tới địa phương, được EC ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai các giải pháp khắc phục vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu quyết liệt.
  • Nâng “chất” thu hút đầu tư nước ngoài
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Không ai có thể phủ nhận, kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, trước một số bất cập, hạn chế phát sinh từ thực tế, việc định hướng cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI cho phù hợp với tình hình mới đang trở thành yêu cầu cấp thiết.
Các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh xác định rõ chiến lược cho năm 2019