TP.Hồ Chí Minh: Công tác quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập

(BKTO) - Kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, Thành phố đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác ban hành văn bản pháp luật về quản lý quy hoạch đô thị, công tác thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch còn chậm; công tác kiểm tra sau cấp phép còn lỏng lẻo…

tp-hcm-tu-tren-cao.jpg
KTNN kiến nghị TP.HCM khắc phục tình trạng thẩm định, phê duyệt quy hoạch không đáp ứng các chỉ tiêu quy hoạch theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị

Theo Báo cáo kiểm toán, giai đoạn 2017-2020, các sở, ngành của TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn. Cụ thể như tăng cường tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong công tác xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị; cấp phép xây dựng; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn…

Qua đó, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, số lượng giấy phép xây dựng được cấp tăng đều hàng năm, thời gian cấp phép giảm (từ 122 ngày xuống còn 42 ngày), hồ sơ cấp phép được đơn giản hóa.

Kết quả, giai đoạn này, Thành phố đã phát triển được 50,98 triệu m2  sàn nhà ở, so với dự báo nhu cầu nhà ở là 40 triệu m2 sàn, đạt 127,5%, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn lên 190,73 triệu m2, bình quân 20,63m2/người, bằng 104,2% chỉ tiêu (20,63/19,8m2/người).

Tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn từng bước được cải thiện: số công trình vi phạm qua các năm có xu hướng ngày càng giảm (năm 2018 giảm 488 trường hợp so với năm 2017, năm 2019 giảm 674 trường hợp so với năm 2018, năm 2020 giảm 1.907 trường hợp so với năm 2019).

Sau hơn một năm triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị 23-CT/TU và Kế hoạch 3333/KH-UBND, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên toàn địa bàn TP.HCM có chuyển biến tích cực. Bình quân số vụ vi phạm giảm từ 8,5 vụ/ngày xuống còn 3 vụ/ngày (giảm 5,5 vụ/ngày, tương đương 64,7%).

Thiếu cơ chế, chính sách trong quản lý quy hoạch đô thị

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua kiểm toán cho thấy, công tác ban hành văn bản; công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp trong quản lý quy hoạch đô thị trong một số giai đoạn còn chậm, chưa đầy đủ và đồng bộ. Các sở, ngành chưa kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản pháp lý thuộc thẩm quyền thay thế các quy định đã hết hiệu lực, không phù hợp với thực tiễn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, cấp phép và quản lý sau cấp phép; chưa tổ chức Chương trình phát triển đô thị toàn Thành phố. Đồng thời, chưa tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo tổ chức tạo quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị đã được công bố theo quy định, làm cơ sở quản lý, kiểm soát việc phát triển nhà ở.

Cùng với đó, công tác xây dựng các quy hoạch chuyên ngành còn chậm, chưa đồng bộ với quy hoạch chung của Thành phố. Công tác lập, thẩm định phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 còn chậm, chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời. Việc tổ chức triển khai xây dựng đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các khu vực dân cư hiện hữu làm cơ sở cấp phép xây dựng và quản lý đô thị cũng chậm, đạt tỷ lệ thấp (chiếm 10,18% diện tích các khu vực đô thị trên địa bàn Thành phố).

Đồng thời, việc phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do các chủ đầu tư dự án lập còn tồn tại khi chấp thuận phê duyệt đồ án có chỉ tiêu chưa phù hợp quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy chuẩn về quản lý quy hoạch.

Theo KTNN, việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chủ yếu xuất phát từ đề xuất của chủ đầu tư, làm gia tăng quy mô dân số, tăng số căn hộ, tăng diện tích sàn kinh doanh, theo hướng tăng lợi ích cho nhà đầu tư mà chưa có đủ cơ chế, chính sách quản lý nhà nước làm căn cứ dự báo, tính toán, cân đối, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từng dự án, phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị trong khu vực và trên địa bàn Thành phố.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị (chủ yếu là quy hoạch phân khu) thiếu đồng bộ khiến tình trạng tổ chức, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh nhưng lại không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, do mục đích sử dụng đất không phù hợp với chức năng sử dụng đất trong quy hoạch phân khu.

Một bất cập khác được phát hiện qua kiểm toán là Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND TP.HCM chấp thuận giao đất đối với phần đất đường, kênh rạch do Nhà nước quản lý theo hình thức chỉ định nhưng thiếu cơ sở pháp lý, dẫn tới một số dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất nên chủ đầu tư không thể huy động vốn chuyển nhượng tài sản hình thành từ dự án; người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do vướng mắc trong định giá đất liên quan đến phần diện tích đất do Nhà nước quản lý.

Đồng thời, việc tổ chức cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị chưa rà soát đầy đủ mục đích sử dụng đất, cấp phép tầng hầm chưa phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng; một số công trình, dự án xây dựng không phép, sai phép chậm phát hiện, xử lý kịp thời. Việc tham mưu cưỡng chế còn chậm, công tác phối hợp với UBND các quận, huyện xử lý cưỡng chế công trình vi phạm chưa đạt hiệu quả cao.

Cũng theo kết quả kiểm toán, công tác quản lý nhà nước trong triển khai dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố đôi khi còn buông lỏng, để xảy ra tình trạng huy động vốn, chuyển nhượng tài sản hình thành từ dự án khi chưa có đủ điều kiện theo quy định; chậm thực hiện các công trình công cộng, nhà ở xã hội theo tiến độ, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người dân.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, quận và huyện có liên quan thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập đã được chỉ ra.

KTNN kiến nghị  UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 phải bảo đảm đầy đủ nội dung liên quan đến quy hoạch không gian ngầm; chấm dứt tình trạng thẩm định trình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khi có các chỉ tiêu, nội dung không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, không đáp ứng các chỉ tiêu quy hoạch theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng; thực hiện nghiêm việc bố trí diện tích đất cho nhà ở xã hội tại các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Cùng chuyên mục
TP.Hồ Chí Minh: Công tác quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập