KTNN kiến nghị điều chỉnh giảm chi phí đầu tư 2 dự án là 943 tỷ đồng -Ảnh: TS
Phải điều chỉnh giảm chi phí đầu tư 943 tỷ đồng
Đối với Dự án 1, nguồn vốn đầu tư là 5.755,8 tỷ đồng (số liệu được làm tròn), trong đó, vốn tự có là 984,6 tỷ đồng và vốn vay là 4.771,2 tỷ đồng; còn Dự án 2 có nguồn vốn đầu tư 1.587,2 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có là 581 tỷ đồng và vốn vay là 1.006,2 tỷ đồng. Dự án 1 được lập nhằm vận chuyển khí từ các mỏ thuộc bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long vào bờ, ngoài ra còn tính đến phương án vận chuyển nguồn khí nhập khẩu theo định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở Công văn số 19/VPCP-KTN ngày 04/01/2011 của Văn phòng Chính phủ. Dự án 2 được lập nhằm thu gom khí tự nhiên, khí đồng hành khai thác từ Lô 102&106, có xem xét đến khả năng thu gom từ các Lô 103&107 để đưa về bờ, phục vụ cho phát triển công nghiệp tại khu vực Thái Bình và các tỉnh lân cận trên cơ sở Nghị quyết số 1036/NQ-DKVN ngày 11/02/2011 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Kết quả kiểm toán các dự án trên cho thấy, đối với Dự án 1, chi phí đầu tư thực hiện chênh lệch giảm xấp xỉ 776,9 tỷ đồng so với số báo cáo của đơn vị, nguyên nhân do chưa đủ điều kiện thanh toán hơn 771,5 tỷ đồng và sai khác gần 5,4 tỷ đồng. Tương tự, đối với Dự án 2, KTNN cũng phát hiện chênh lệch giảm chi phí đầu tư 166,1 tỷ đồng so với số báo cáo của đơn vị, trong đó sai khối lượng hơn 2,9 tỷ đồng, sai đơn giá gần 2,5 tỷ đồng, sai khác gần 74 tỷ đồng và chưa đủ điều kiện thanh toán 86,7 tỷ đồng.
Đánh giá về việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, chế độ quản lý tài chính, kế toán, KTNN cho biết, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã cơ bản chấp hành các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng, quản lý chi phí, quản lý chất lượng công trình và các văn bản sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung do Nhà nước ban hành qua các thời kỳ. Dự án 1 và Dự án 2 được lập và phê duyệt phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 233/QĐ-TTg ngày 18/02/2009, cũng như quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 1218/VPCP-KTN ngày 26/02/2010; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 30/3/2011.
Hạn chế trong quản lý dự án đầu tư xây dựng
Tuy nhiên, KTNN chỉ ra rằng, quá trình thực hiện các dự án này còn một số hạn chế, thiếu sót. Chẳng hạn, trong công tác phê duyệt Dự án, đối với Dự án 1, các số liệu về thành phần và trữ lượng của 2 nguồn khí chính là mỏ Hải Thạch - Mộc tinh và mỏ Thiên Ưng - Mãng Cầu không chính xác; đầu tư hệ thống thoát khí 26 tại dàn Hải Thạch nhưng chưa có kế hoạch khai thác, sử dụng. Đối với Dự án 2, việc điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư Dự án 582,7 tỷ đồng; chưa đánh giá đầy đủ tình hình biến động giá khí trong phương án tài chính, quá trình khai thác Dự án bước đầu chưa đem lại hiệu quả; một số khoản mục trong tổng mức đầu tư lập thiếu cơ sở pháp lý; thời điểm phê duyệt Dự án chưa có đánh giá tác động môi trường.
Trong công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, đối với Dự án 1, dự toán gói thầu bọc ống còn thiếu cơ sở tính toán, định mức hao hụt về ca máy, vật liệu chưa chính xác; việc điều chỉnh phương pháp tính khối lượng phần cutback thiếu cơ sở tính toán. Đối với Dự án 2, gói thầu bọc ống không thực hiện lập dự toán như hướng dẫn tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng.
Hay, trong công tác lựa chọn nhà thầu cho Dự án 1, Tổng công ty Khí Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Khí Đông Nam Bộ đã giao nhà thầu Vietsovpetro thực hiện công tác khảo sát khi chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu; giá chỉ định thầu của một số gói thầu không giảm giá từ 3%-5% so với giá trị dự toán được duyệt.
Đối với công tác quản lý và thực hiện hợp đồng, việc thực hiện hợp đồng gói thầu EPC phần đường ống biển của Dự án 1 chậm 112 ngày so với ngày hợp đồng có hiệu lực; hợp đồng cung cấp ống thép không áp dụng bảo lãnh thực hiện hợp đồng; ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn quản lý dự án không tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của hồ sơ mời thầu và kết quả trúng thầu được phê duyệt. Đối với Dự án 2, việc thương thảo ký kết Phụ lục hợp đồng còn tính toán sai khối lượng, đơn giá làm sai lệch giá trị hợp đồng.
Liên quan đến công tác quản lý tiến độ thực hiện, đối với Dự án 1, các đơn vị chưa xác định cụ thể nguyên nhân chậm và lỗi của các bên để tiến hành xử phạt theo quy định của hợp đồng; Gói thầu EPC phần đường ống biển chưa thực hiện điều chỉnh tiến độ hợp đồng. Đối với Dự án 2, Gói thầu lắp đặt tuyến ống gần bờ và ngoài khơi thi công bàn giao chậm 50 ngày so với tiến độ hợp đồng ký kết.
Về công tác chấp hành chế độ tài chính, kế toán, đối với Dự án 1, chủ đầu tư chưa có phương án xử lý giá trị vật tư dư thừa sau khi thi công, chưa hạch toán giảm chi phí chạy thử theo quy định, phân bổ chi phí lãi vay sai quy định, hạch toán và phân bổ chi phí quản lý Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn - giai đoạn 2 vào giai đoạn 1. Đối với Dự án 2, chủ đầu tư chưa có phương án xử lý giá trị vật tư dư thừa sau khi thi công, phân bổ chi phí đi vay của Tổng công ty Khí Việt Nam để Công ty Quản lý Dự án Khí làm cơ sở vốn hóa vào tài sản của Dự án chưa chính xác.
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị các đơn vị phải xử lý các hạn chế, thiếu sót trên, cũng như tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; đồng thời đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, phê duyệt lại phương án tài chính của Dự án 1 và Dự án 2.
ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số ra ngày 9/8/2018