Ảnh: Wikimedia
Nhiều hãng kiểm toántừ chối đối tác lớn
Nghiên cứu của Thomson Reuters chỉ ra rằng, ngày càng nhiều hãng kiểm toán chủ động rút khỏi vị trí đơn vị kiểm toán của các khách hàng là những công ty, tập đoàn lớn để tránh ảnh hưởng đến uy tín của mình, khi hàng loạt công ty, tập đoàn bị phá sản. Theo đó, các công ty, tập đoàn lớn ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình kiểm toán, như những sai phạm tinh vi mà các hãng kiểm toán rất khó phát hiện, dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm toán. Trước đó, các hãng kiểm toán đã phải rất nỗ lực trải qua các cuộc đấu thầu, cạnh tranh với những đối thủ mạnh để giành được các hợp đồng “béo bở”. Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân, một bên là danh tiếng, uy tín và hoạt động lâu dài, một bên là lợi nhuận tài chính trước mắt, các hãng kiểm toán vẫn sẵn sàng chủ động rút lui.
Theo nghiên cứu, trong năm tài chính 2018-2019, tỷ lệ các hãng kiểm toán xin rút lui đã tăng 21% (229 lượt), năm 2017-2018, con số này là 190. Một số chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán lo ngại rằng, từ năm 2018-2019, việc các hãng kiểm toán xin rút lui sẽ tăng trở lại sau khi giảm dần từ mức cao kỷ lục trong năm 2014-2015 (367 lượt).
Sau một loạt DN bị phá sản trong đó có lỗi của các hãng kiểm toán, Hội đồng Báo cáo tài chính Anh (FRC) đã nhiều lần xem xét tăng áp lực, tăng mức phạt. Điển hình là KPMG có thể phải đối mặt với các án phạt nặng sau khi hoàn thành kiểm toán Cơ quan Điều hành các trung tâm bóng đá Goals tại Anh vào năm 2019 mà không phát hiện ra những gian lận kế toán đã kéo dài gần một thập kỷ. KPMG cũng bị chỉ trích vì sau quá trình kiểm toán Tập đoàn xây dựng khổng lồ Carillion, Hãng đã đưa ra tuyên bố Carillion nhận được một kết quả kiểm toán “sạch”. Tuy nhiên, không bao lâu sau, Tập đoàn đã rơi vào cảnh phá sản.
Do đó, các hãng kiểm toán ngày càng quan tâm hơn đến hồ sơ của những khách hàng có rủi ro cao dù đó là các tập đoàn đa quốc gia có thể mang lại cho họ những khoản lợi nhuận khổng lồ. KPMG cùng Deloitte, EY, PwC, BDO và nhiều hãng kiểm toán khác đồng quan điểm rằng, họ sẵn sàng rời bỏ các khách hàng bị xếp vào “danh sách rủi ro” dù phải từ bỏ những hợp đồng có giá trị lớn; danh tiếng có thể bị ảnh hưởng là điều họ quan tâm hơn lợi ích tài chính trước mắt. Đây là nguyên nhân của tình trạng tăng vọt tỷ lệ rút lui của các hãng kiểm toán nêu trên.
Thúc đẩy các hãng kiểm toáncải thiện chất lượng dịch vụ
Tháng 8/2019, Hãng Grant Thornton (GT) đã chủ động rời khỏi vị trí đối tác kiểm toán của Sports Direct (SD) - tập đoàn bán lẻ các sản phẩm thể thao lớn nhất Vương quốc Anh sở hữu gần 700 cửa hàng trên thế giới - chấm dứt 12 năm hợp tác, từ năm 2007.
Ban Lãnh đạo GT đã họp bàn rất kỹ lưỡng về quyết định có nên dừng hợp tác với khách hàng lớn này không. Cuối cùng, việc phát hiện ra SD đang có một hóa đơn nợ thuế trị giá tới 674 triệu Euro bị coi như “giọt nước tràn ly” khiến GT đưa ra quyết định từ bỏ, làm cổ phiếu của SD giảm tới 11%, mức thấp nhất từ năm 2011 đến 2019. SD chỉ còn được định giá 1 tỷ Bảng Anh (5 năm trước, mức định giá là hơn 5 tỷ Bảng). Cũng trong năm 2019, GT đã xin rút khỏi vị trí hãng kiểm toán cho Patisserie Valerie - chuỗi nhà hàng, quán ăn tại Anh - sau khi phát hiện hàng loạt sai phạm, thiếu sót tài chính trong hồ sơ của Công ty trị giá hàng triệu Bảng.
Ông Brian Peccarelli - một giám đốc tại Thomson Reuters - cho biết, việc FRC đưa ra các án phạt khắt khe hơn, gồm tăng mức phạt tiền cũng là một trong những lý do chính khiến các hãng kiểm toán cần xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ của họ với các khách hàng “rủi ro”. Phản ứng với những áp lực pháp lý ngày càng gia tăng, các hãng kiểm toán đã và đang thực hiện một số biện pháp giúp bảo vệ quyền lợi của họ. Nhiều hãng đang vạch ra các kế hoạch đầu tư thêm thời gian, tài chính và nguồn lực nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt là kiểm toán, bất chấp việc phải đầu tư thêm những khoản tiền khổng lồ.
Trên thực tế, việc chuyển hướng hoạt động của các hãng kiểm toán lớn được coi là một xu hướng mới đang diễn ra trong ngành kiểm toán. Các hãng kiểm toán trên toàn cầu cũng đang đầu tư nhiều vào các công nghệ cao, điển hình là trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và nhiều công nghệ hiện đại khác để cải thiện chất lượng dịch vụ kiểm toán và kiểm soát chi phí của mình.
THANH XUYÊN