IFAC cho biết, năm 2023 là thời điểm để xem xét những tiến bộ mà Liên hợp quốc (UN) đã đạt được, những tiến trình UN chưa thực hiện, những thách thức phải đối mặt trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
G20 là một diễn đàn quan trọng cho sự hợp tác và lãnh đạo toàn cầu, có những đóng góp rất quan trọng mang lại sự tăng trưởng bền vững và toàn diện. Tuy nhiên, chỉ riêng các quốc gia G20 không thể giải quyết những thách thức mà các nước gặp phải, do đó, cần sự hợp tác rộng rãi và toàn diện trên thế giới. Tính toàn diện này cũng phải được phản ánh trong từng khu vực và quốc gia, bao gồm tất cả các tổ chức của xã hội.
IFAC nhấn mạnh, nghề kế toán, kiểm toán toàn cầu và các kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp có những đóng góp quan trọng cho xã hội và nền kinh tế. Hành động vì lợi ích công với nền tảng đạo đức là những nhân tố chính thúc đẩy sự bền vững, quản lý tài chính công, góp phần hỗ trợ cuộc chiến chống tham nhũng. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần xem các tổ chức kế toán, kiểm toán là đối tác chính trong tất cả những nỗ lực này.
IFAC đã đưa ra các lời kêu gọi hành động đối với G20, nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng bền vững. IFAC cho rằng, không có sự lãnh đạo của các chính phủ, mục tiêu đạt được các SDG và phát thải ròng bằng 0 sẽ rất khó khăn. G20 phải khuyến khích các khung chính sách quốc gia và cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp một lộ trình, công cụ và động lực rõ ràng hơn để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và bền vững.
G20 cần tiếp tục hỗ trợ công việc của Ủy ban Chuẩn mực bền vững quốc tế, là tổ chức dẫn dắt sự phát triển của hệ thống báo cáo toàn cầu; cần có sự đảm bảo để mang lại niềm tin và sự tin cậy thông tin về tính bền vững, phải hỗ trợ các sáng kiến nhằm phát triển các chuẩn mực báo cáo bền vững toàn cầu cho khu vực công.
IFAC đặc biệt kêu gọi G20 hỗ trợ quản trị tài chính công chất lượng cao và phòng, chống tham nhũng. G20 cần chuyên nghiệp hóa các chức năng tài chính, kế toán khu vực công ở tất cả các cấp chính quyền. Những hành động này sẽ cho phép các chính phủ đạt được mục tiêu bằng các nguồn lực sẵn có, đồng thời tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu tổn thất do lãng phí, gian lận, tham nhũng. G20 cũng được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên áp dụng và thực hiện Kế hoạch hành động chống tham nhũng và Nguyên tắc bảo vệ người tố giác của G20, Công ước của UN về phòng, chống tham nhũng…
Bên cạnh đó, G20 cần tạo môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, đồng thời hướng đến giáo dục toàn diện để tăng trưởng toàn diện, hỗ trợ tiếp cận giáo dục bình đẳng giữa các giới tính, sắc tộc và trình độ kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, IFAC nhấn mạnh, hiểu biết về tài chính vẫn là một thách thức ở nhiều khu vực pháp lý. Do đó, G20 phải đóng vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ các sáng kiến hiểu biết về tài chính./.