Trạm thu phí, hệ thống ITS được đầu tư sử dụng chung hệ thống thu phí dịch vụ đảm bảo kết nối liên thông toàn bộ hệ thống cao tốc Bắc - Nam và các trung tâm điều hành khu vực, để đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi trong công tác quản lý. Các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được vận hành bằng năng lượng mặt trời, qua đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Đây cũng là dự án được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sớm nhất trong các dự án cùng thực hiện và được Hội đồng kiểm tra Nhà nước đánh giá cao.
Theo đó, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Hội đồng thống nhất chấp thuận có điều kiện đối với kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư đối với dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Hội đồng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, các nhà thầu và các bên có liên quan đã khắc phục nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án (như ảnh hưởng rất lớn của đại dịch covid -19, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công…) để hoàn thành công trình đường cao tốc có quy mô lớn, nhiều hạng mục công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, đảm bảo tiến độ thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 20/4/2024 của Hội đồng tại dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các chủ thể liên quan thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các phương châm “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”... cùng với năng lực và kinh nghiệm của liên danh Nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu để hoàn thành dự án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức.
Đối với hạng mục hầm Núi Vung, bộ sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Hội đồng kiểm tra nhà nước để triển khai đầu tư đưa vào sử dụng cả 2 ống hầm.
Ông Bùi Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đánh giá cao Ban QLDA 85, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn cùng các bên liên quan đã phối hợp tốt, sát sao quá trình thực hiện, đóng góp hoàn thành dự án. Hội đồng chấp thuận có điều kiện kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư đối với dự án thành phần đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo để đưa công trình vào khai thác sử dụng, bao gồm tuyến chính cao tốc dài 78,5 km, hầm Núi Vung, nút giao liên thông, các cầu vượt trục thông trên tuyến, đường gom dân sinh.
Được biết, dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành, Doanh nghiệp đã đề xuất vận hành cao tốc từ ngày 26/4 để phục vụ nhu cầu đi lại gia tăng vào dịp lễ, đồng thời, nhà đầu tư dự án chủ động bỏ kinh phí xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến để phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ GTVT phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức.
Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Công ty Đầu tư Xây dựng 194.
Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm Phải, lưu thông 2 chiều. Đây là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.
Cục Đường bộ Việt Nam chọn Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt. Nhà đầu tư dự án đã chủ động bỏ kinh phí, xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến, phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ GTVT phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức.
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang, giúp giảm một nửa thời gian so với đi quốc lộ 1, góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc – Nam, tạo sức bật quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước./.