Cần cân nhắc một số quy định về khai thác khoáng sản

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Dự thảo) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định tại Dự thảo còn bất cập, chưa phù hợp, do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh.

ks.jpg
VCCI cho rằng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản còn một số quy định bất cập. Ảnh minh họa: S.T

Đối với quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tại Điều 104 Dự thảo quy định về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo VCCI, cách thiết kế như trong Dự thảo tạo cho quy định này không gian rất rộng để thực hiện theo hình thức “xin - cho”.

Cụ thể, Dự thảo quy định ngoài các trường hợp cụ thể được quy định tại Luật, khu vực không đấu giá còn có thể do Chính phủ quy định hoặc do Thủ tướng quyết định. Quy định này tạo không gian rất rộng cho tình trạng xin - cho khi tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng.

Thực tế, theo báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, chiếm tỷ lệ 1,4%. Đối với các giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, có 394/4279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9,2%. Tỷ lệ rất thấp cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức xin - cho.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu khoáng sản đã được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Theo VCCI, quy định này có nội hàm rất lớn, bao trùm nhiều loại khoáng sản quan trọng, đặc biệt là nhóm khoáng sản kim loại như quặng bauxite, quặng titan, quặng sắt… Đây đều là những loại khoáng sản còn nhiều tiềm năng khai thác, có giá trị thương mại lớn. Khi đó, các mỏ này đều có thể chuyển thành cơ chế không đấu giá, tiếp tục thực hiện cơ chế xin - cho.

Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Do vậy, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc quy định theo hướng tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá (hoặc đấu thầu). Việc loại trừ các khu vực khoáng sản không đấu giá có thể được thay thế bằng việc thêm các điều kiện để được tham gia đấu giá, ví dụ như các khu vực khoáng sản tại biên giới, ven biển, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thì hạn chế nhà đầu tư nước ngoài hoặc thêm thủ tục thẩm tra điều kiện về an ninh đối với nhà đầu tư trước khi đấu giá.

Đối với việc quản lý công suất, ranh giới khai thác khoáng sản, Dự thảo đang quy định quản lý về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản theo hướng quy định mức tối đa có thể thực hiện. Cụ thể, công suất khai thác tối đa được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản và khi có thay đổi về diện tích, công suất đến mức phải điều chỉnh thiết kế mỏ thì phải điều chỉnh.

VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, cách tiếp cận này chưa phù hợp vì không theo quy luật thị trường để điều tiết công suất khai thác (khi nhu cầu thị trường tăng cao thì không được tăng công suất để cung cấp ra thị trường và ngược lại) và không tạo điều kiện để tận thu tối đa khoáng sản.

Hơn nữa, việc quản lý công suất còn gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên và gây thiệt hại cho Nhà nước. Cụ thể, công suất khai thác theo giấy phép được tính bằng tổng trữ lượng chia cho số năm khai thác. Trong điều kiện thông thường, doanh nghiệp chỉ được khai thác đúng bằng công suất được cho phép, nhưng trong điều kiện không thuận lợi (thị trường xuống hoặc chưa có đủ mặt bằng) thì công suất khai thác thấp hơn công suất được cấp phép. Như vậy, tính tổng thời gian, doanh nghiệp không thể khai thác hết toàn bộ trữ lượng được cấp phép, dẫn đến lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Trên cơ sở đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cơ chế sau: Công suất khai thác linh hoạt, cụ thể cho phép doanh nghiệp điều chỉnh công suất khai thác phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, tối ưu hoá kế hoạch sản xuất hàng năm, hoặc quy định theo hướng công suất tối đa được khai thác (ví dụ 150% công suất cấp phép) và báo cáo xin điều chỉnh ranh giới khai thác, cho phép doanh nghiệp mở rộng để tận thu tối đa tài nguyên.

Nhà nước sẽ quản lý doanh nghiệp thông qua chế độ báo cáo, xin phép; doanh nghiệp phải đóng thuế phí cho phần khoáng sản vượt công suất, khai thác vượt ranh giới; xử phạt nếu doanh nghiệp không báo cáo, xin phép.

Liên quan đến vấn đề tài chính về khoáng sản, VCCI cho rằng, trong thời gian qua, lĩnh vực khoáng sản của Việt Nam chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn, bài bản nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do pháp luật Việt Nam chưa có được cơ chế bảo hộ thích đáng đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án khoáng sản quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ chế bảo đảm đầu tư đối với các dự án khoáng sản lớn, cụ thể như sau: Nhà nước đảm bảo ổn định môi trường đầu tư về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách; trong trường hợp có sự thay đổi pháp luật về nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách thì nhà đầu tư không bị áp dụng mới các thay đổi bất lợi trong toàn bộ hoặc 50% thời gian đầu của dự án.

Bên cạnh những nội dung trên, VCCI còn góp ý cụ thể cho Dự thảo về nhiều nội dung khác như: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có khai thác khoáng sản; quyền liên kết, hợp tác trong khai thác khoáng sản; đấu giá mỏ đã thăm dò nhưng chưa thực hiện việc khai thác; hủy kết quả trúng đấu giá; thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản…/.

Cùng chuyên mục
Cần cân nhắc một số quy định về khai thác khoáng sản