Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để hiện đại hóa công tác lưu trữ

(BKTO) - Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, với 93,84% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Luật quy định ngày 3/01 hàng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam.

202406210855195344_z5559185937207_b7a1ef8999885818c465009cedf16eaf.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 8 chương 65 điều, bổ sung 11 điều, bỏ 12 điều, tách, nhập 9 điều thành 07 điều mới so với Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.

Việc ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.

Luật quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; nghiệp vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý nhà nước về lưu trữ.

Việc lưu trữ tài liệu thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt phải tuân thủ quy định của Luật này, trừ trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan.

Về chính sách của Nhà nước về lưu trữ, Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định: Xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ nhân dân; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho lưu trữ. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công và nguồn lực khác để hiện đại hóa lưu trữ, bảo đảm an toàn, toàn vẹn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực lưu trữ chuyên nghiệp, phục vụ; đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lưu trữ; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện hoạt động lưu trữ.

202406210846430794_z5559139889463_b84dd46a8c444bca64cb6a90a3539ac7.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Đồng thời, xây dựng xã hội lưu trữ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư. Xã hội hóa lưu trữ; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế toàn diện về lưu trữ.

Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định rõ 05 hành vi bị nghiêm cấm gồm: Chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép hoặc cố ý làm hư hỏng, mua bán, chiếm đoạt, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý; Làm giả, làm sai lệch nội dung, làm mất tính toàn vẹn của tài liệu lưu trữ và dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ, truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; Hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; Sử dụng tài liệu lưu trữ hoặc lợi dụng hoạt động dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng; cản trở quyền tiếp cận, sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài, ra ngoài lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử trái quy định của pháp luật.

Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; nghiệp vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư.

Cùng chuyên mục
  • Nhận diện rủi ro, thách thức khi sớm đưa các luật vào cuộc sống
    5 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Khẳng định việc sớm thi hành các luật sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc và mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (DN) song các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực để có giải pháp kiểm soát, khắc phục.
  • Tránh “khoảng trống” pháp lý trong phân nhóm khoáng sản
    5 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại quy định về phân nhóm khoáng sản tại Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để bảo đảm chặt chẽ.
  • Đẩy sớm hiệu lực thi hành 3 luật: Cần bảo đảm chất lượng các văn bản hướng dẫn
    5 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 20/6, thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ chủ trương sớm đưa các Luật trên vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về khả năng ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật.
  • Quy định điều kiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại công trình
    5 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Từ thực tế các vụ cháy xảy ra vừa qua, đại biểu Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cần quy định yêu cầu, điều kiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại công trình, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
  • Hoàn thiện hai nghị định quan trọng về phát triển điện mặt trời
    5 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 19/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Nghị định quy định về: Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để hiện đại hóa công tác lưu trữ